Một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên hiện nay |
Thứ năm, 19 Tháng 11 2015 08:32 - 3995 Lượt xem |
|
|
Thanh thiếu niên là bộ phận năng động nhất của xã hội, nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ở lứa tuổi này, thanh thiếu niên thường có nhiều ước mơ, hoài bảo cùng với nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân và thích những điều mới mẻ… Do đó, nếu thiếu bản lĩnh, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, thiếu kiến thức về pháp luật sẽ dễ dẫn đến bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tương lai của chính bản thân họ sau này. Chính vì vậy việc nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên nhằm trang bị vốn kiến thức pháp luật cần thiết cho các em luôn là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Xác định tầm quan trọng của công tác này, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên. Cụ thể như, ngày 11/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương VII (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, ngày 26/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2160/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015” (gọi tắt là Đề án 2160). Và gần đây, ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Để đưa Đề án 2160/QĐ-TTg của Chính phủ vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 801/BTP - PBGDPL ngày 28/02/2011 hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án này. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3774/QĐ-UBND ngày 23/11/2011 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 2160 trên địa bàn tỉnh; đến ngày 16/4/2012, Ban chỉ đạo Đề án 2160 ban hành Quyết định số 15/QĐ-BCĐ về việc thành lập Tổ giúp việc thực hiện Đề án gồm 15 thành viên, do đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Tổ trưởng và Sở Tư pháp đã dự thảo Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án trình UBND tỉnh ký ban hành. Tuy nhiên, đến năm 2013, để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 790/KH-UBND ngày 07/3/2013, theo đó Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên” được tích hợp và trở thành một trong 10 đề án trọng tâm của Kế hoạch số 790/KH-UBND của tỉnh và Sở Nội vụ được giao chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai thực hiện Kế hoạch 790 của tỉnh, do Sở Nội vụ chưa có điều kiện thực hiện, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa những nội dung thuộc phạm vi của Đề án này lồng ghép vào các đề án khác để thực hiện. Với sự tham mưu tích cực của Sở Tư pháp và sự chỉ đạo tập trung của UBND tỉnh, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng việc lồng ghép đưa nội dung PBGDPL cho thanh thiếu niên niên vào kế hoạch hằng năm của đơn vị, địa phương mình; qua đó các hoạt động tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật cho thanh thiếu niên đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau: Trước hết, việc PBGDPL cho thanh thiếu niên được lồng ghép trong các đề án PBGDPL theo Kế hoạch số 790/KH-UBND của UBND tỉnh như Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn Thanh niên triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như biên soạn hai bộ tài liệu giáo dục pháp luật cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18), trong đó tích hợp được nhiều nội dung pháp luật cụ thể có liên quan đến nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các em theo từng độ tuổi. Trong năm học 2014 – 2015 vừa qua, Sở Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức thành công Hội thi “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” dành cho học sinh khối trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh và hiện nay đang tiếp tục tổ chức hội thi theo hình thức này cho học sinh khối trung học cơ sở. Có thể nói qua hai hội thi này bước đầu đã trang bị kiến thức pháp luật nhất định và tạo điều kiện cho thanh thiếu niên học sinh trong nhà trường phổ thông tiếp cận với các quy định pháp luật theo nhu cầu tìm hiểu của mình. Ở các địa phương, từ năm 2013 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực phối hợp với Phòng Tư pháp và các đơn vị liên quan tổ chức PBGDPL cho hơn 20.000 lượt cán bộ, học sinh và tổ chức nhiều hình thức thi tìm hiểu pháp luật để thu hút thanh thiếu niên tham gia. Ban Giám hiệu các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở còn lồng ghép vào các giờ học ngoại khóa để tổ chức cho các em tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, bạo lực học đường... đem lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói đây là hoạt động giáo dục pháp luật có nhiều tính sáng tạo, khơi dậy được yếu tố chủ động nhận thức cho học sinh trong việc tìm hiểu pháp luật. Thứ hai, Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013 – 2016” do Công an tỉnh chủ trì, trong quá trình thực hiện, đối tượng được quan tâm nhiều nhất là thanh thiếu niên sinh sống ở các địa bàn dân cư, đặc biệt là những đối tượng có biểu hiện hư hỏng, vi phạm pháp luật. Trong các năm từ 2013 đến 2015, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức được 15 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm, qua đó cấp phát 3.500 tờ rơi, tờ gấp có nội dung giáo dục pháp luật cho các đối tượng thanh thiếu niên ngoài cơ sở giáo dục. Ngoài ra, việc PBGDPL cho thanh thiếu niên còn được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú khác thông qua các buổi hội nghị, sinh hoạt nhân dân, các buổi giao lưu văn nghệ truyền thống... Đặc biệt, hoạt động PBGDPL cho phạm nhân, trại viên, học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên tại các trại giam ngày được các cơ quan chức năng chú trọng. Trại tạm giam Công an tỉnh vẫn duy trì hằng tháng việc phối hợp với Hội Luật gia và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động viết thư “gửi lời xin lỗi” đã tạo điều kiện cho phạm nhân (trong đó có độ tuổi thanh thiếu niên) nhận thức trách nhiệm, tự sửa chữa, xóa đi mặc cảm tội lỗi để vươn lên làm lại cuộc đời. Ở các địa phương, các Phòng Tư pháp đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tư vấn, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về pháp luật cho các phạm nhân, trại viên, học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên tại các trại tạm giam. Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, qua đó thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã gặp phải lỗi lầm trong quá khứ, chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Với vai trò là cơ quan đại diện của thanh niên, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động PBGDPL cho thanh niên như thông qua việc tổ chức thi tìm hiểu kiến thức, các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, thi tuyên truyền viên thông qua hình thức sân khấu hóa, tiểu phẩm, thuyết trình, triển lãm, thành lập đội thông tin lưu động và các hoạt động khác thu hút được sự tham gia của toàn dân và thanh thiếu niên. Một trong những hoạt động có tác dụng giáo dục lớn trong những năm qua là chương trình truyền thông lưu động về an toàn giao thông tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; mô hình “Đội thanh niên xung kích phòng, chống mại dâm, ma túy”, Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”, thành lập các Câu lạc bộ “Giai điệu xanh”, Câu lạc bộ “Phòng chống tội phạm”... Trong năm 2013, tỉnh Quảng Nam được Ban chỉ đạo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011- 2015” của Bộ Tư pháp chọn điểm và hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho thanh niên và cán bộ đoàn viên. Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố Tam kỳ chọn phường Tân Thạnh để tổ chức Cuộc thi. Hội thi đã được tổ chức thành công, thu hút được hơn 500 cổ động viên tham gia, đây thật sự là một sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên nhằm giáo dục ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho đối tượng này. Từ thực tế công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, xin đề xuất một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm về công tác này trong thời gian tới: - Về nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động PBGDPL cho thanh thiếu niên trong thời gian qua; trong đó, phát huy vai trò cơ quan chủ trì của Sở Nội vụ trong việc chủ động phối hợp với Sở Tư pháp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trong năm 2016 theo Kế hoạch số 790/KH-UBND ngày 07/3/2013 của UBND tỉnh. Các hoạt động PBGDPL cho thanh thiếu niên trong thời gian tới cần được triển khai đồng bộ, thực chất, bám sát các nội dung và nhiệm vụ của Đề án 2160. - Một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay. Cần xác định nhiệm vụ này không phải của riêng ngành Tư pháp hay các tổ chức đoàn thể mà đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, như thanh thiếu niên tự do ngoài xã hội, do bỏ học sớm nên không tìm được việc làm hoặc lao động phổ thông; thanh thiếu niên xuất thân từ các gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là những đối tượng buôn bán không lành mạnh, chủ lô đề, cờ bạc... bởi đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh. Cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy môn học giáo dục công dân trong nhà trường, kết nối nội dung sách vở với thực tiễn và tạo điều kiện cho các em thảo luận những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân phù hợp với từng độ tuổi, qua đó, góp phần giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh, trang bị cho các em vốn kiến thức pháp luật nhất định, hình thành ý thức tự giác, sống và làm việc theo pháp luật trong thanh thiếu niên ở độ tuổi này. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu, thực sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết, nắm vững kiến thức pháp luật. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm triển khai công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên và đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên./. Thái Nguyên – Hạ Trương Tin mới:
Các tin khác:
|