Góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Cần quy định việc nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi
 Thứ hai, 11 Tháng 5 2015 10:06 - 3183 Lượt xem
In

tre-em-16-tuoiMột trong những vấn đề được dư luận quan tâm hàng đầu trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là việc nâng quy định về độ tuổi đối với trẻ em từ dưới 16 tuổi (theo quy định hiện hành) lên dưới 18 tuổi.

Về vấn đề này, hiện tại có hai quan điểm như sau:

Thứ nhất, nhóm đồng thuận với việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi, cho rằng việc nâng độ tuổi như vậy là phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1990. Mặt khác, việc nâng độ tuổi như vậy thì đối tượng được hưởng lợi chính là trẻ em do các chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.

Thứ hai, nhóm quan điểm không ủng hộ việc tăng độ tuổi như Dự thảo Luật thì đưa ra các lí do sau đây:

+ Thực tế quy định và áp dụng độ tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) như hiện nay chưa phát sinh bất cập hay hạn chế nào nên việc đề xuất thay đổi là không cần thiết.

+ Quy định về độ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có độ vênh, quy định độ tuổi khác nhau dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó. Điển hình như tại Bộ luật Dân sự quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi; Luật Thanh niên lại quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi;  Bộ luật Lao động thì người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên; Chưa kể đến những quy định của Bộ luật hình sự về việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (chia theo độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi)…

Như vậy nếu sửa đổi thì cần phải thay đổi những quy định kể trên để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định. Mà việc sửa đổi, bổ sung các văn bản luật mới ban hành (chưa kể đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn) rất tốn kém cả về thời gian, công sức và tài chính.

+ Ngoài ra, việc nâng độ tuổi trẻ em lên còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách vì phúc lợi xã hội cho nhóm đối tượng trẻ em đang được áp dụng các chính sách ưu đãi, khi tăng độ tuổi có nghĩa là thời gian thụ hưởng các chính sách đó tăng lên đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải tăng theo để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, người viết bài này cho rằng quan điểm thứ nhất hợp lý hơn, vì nâng độ tuổi của trẻ em lên ngưỡng dưới 18 tuổi sẽ phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thực tế, lứa tuổi từ đủ 16 đến dưới18 tuổi vẫn chưa phát triển đầy đủ về sức khoẻ và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, người thành niên. Ở độ tuổi này, các em có những chuyển đổi mạnh về tâm - sinh lý nên cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, xã hội và Nhà nước; đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, các em có nhiều cơ hội để tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau trong đó có cả những thông tin bổ ích lẫn những thông tin trái chiều, lệch lạc, nếu không có sự định hướng, quan tâm, giáo dục từ gia đình, xã hội, việc các em nhận thức sai và hành động sai là tất yếu. Bởi vậy việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi là sự khẳng định của Nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, việc nâng độ tuổi đối với trẻ em như vậy cần phải được cân nhắc kỹ và tính toán đến các vấn đề liên quan như kinh tế, hiệu ứng xã hội, tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật …

Một trong những điểm cần xét đến đó là các quy định về áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mức hình phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe, và thực tế cho thấy xu hướng phạm tội của các đối tượng dưới 18 tuổi đang ngày càng gia tăng. Một khi nâng độ tuổi trẻ em lên mức dưới 18 tuổi, đồng nghĩa với việc chính sách áp dụng hình phạt đối với các đối tượng từ dưới 16 đến dưới 18 tuổi phải đảm bảo bằng hoặc nhẹ hơn mức hiện hành. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nhiều đối tượng sẽ lợi dụng trẻ em để làm công cụ phạm tội và nguy cơ tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng gia tăng là hiển hiện.

Theo quan điểm của người viết, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần phải được bảo vệ. Mục đích chính của việc áp dụng các chế tài hình sự đối với trẻ em không phải là biện pháp để làm giảm các hành vi vi phạm của lứa tuổi này mà là cảm hóa, giáo dục những trẻ em đã từng lầm lỗi, biến các em thành những người có ích cho xã hội trong tương lai…

Muốn giảm tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, gia đình, xã hội cần chú trọng đến việc quan tâm, giáo dục nhận thức, nhân cách cho trẻ để tránh cho trẻ những suy nghĩ và hành động lệch lạc thay vì trông chờ vào những chế tài hay hình phạt bắt buộc phải áp dụng khi vi phạm đã xảy ra. Bởi vậy, việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên mức dưới 18 tuổi có thể coi như là sự bảo vệ cần thiết của xã hội cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách cho trẻ trước khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

Thêm một vấn đề nữa mà người viết đề xuất ở đây là việc đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật trong việc quy định các khái niệm trẻ em, thanh niên, người chưa thành niên... Các nhà làm luật cần phải tính toán đến việc điều chỉnh các quy định về độ tuổi cũng như các chế định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Bởi, dù có quy định là dưới 16 hay dưới 18 tuổi, đã là trẻ em thì cần phải được gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, giúp các em phát triển và trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho đất nước trong tương lai./.

Vĩnh Can


Tin mới:
Các tin khác: