Bàn về áp dụng phong tục tập quán theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 |
Thứ sáu, 24 Tháng 4 2015 15:40 - 4146 Lượt xem |
|
|
Theo Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014, tập quán về HN&GĐ được hiểu là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ HN&GĐ, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Trong phạm vi bài này, tôi xin đi sâu phân tích những điểm khác nhau giữa chế định áp dụng phong tục tập quán của Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ 2014, đặc biệt là quan điểm của Nhà nước ta về việc áp dụng tập quán trong HN&GĐ trong giai đoạn hiện nay. Điều 6 Luật HN&GĐ năm 2000 qui định: “Trong quan hệ HN&GĐ, những phong tục tập quán thể hiện bản sắc mỗi dân tộc mà không trái nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy” (6 nguyên tắc quy định ở Điều 2); còn đối với Luật HN&GĐ năm 2014 quy định tại Điều 7: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”. Nội hàm của hai điều Luật trên hoàn toàn khác nhau, điều dễ thấy nhất là Luật HN&GĐ năm 2014 quy định theo hướng hạn chế áp dụng phong tục tập quán. Nếu như Luật HN&GĐ năm 2000 quy định các phong tục tập quán thể hiện bản sắc của dân tộc chỉ cần không trái nguyên tắc chung của Luật như: hôn nhân tự nguyện tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng; vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ, con nuôi… thì được tôn trọng và phát huy. Thì Luật HN&GĐ năm 2014 chỉ cho áp dụng phong tục tập quán khi pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận, nếu phong tục tập quán đó không trái với nguyên tắc và không vi phạm điều cấm của Luật. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại Điều 7 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định “vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về HN&GĐ, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ HN&GĐ tiến bộ”. Việc quy định chung như vậy đã tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho Tòa án khi xét xử các vụ án về HN&GĐ phải áp dụng các phong tục tập quán. Như vậy, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định theo hướng khuyến khích áp dụng phong tục tập quán, như nội dung phong tục tập quán có quy định trong Luật và thậm chí vi phạm điều cấm vẫn có thể áp dụng thì Luật HN&GĐ năm 2014 hạn chế áp dụng phong tục tập quán lạc hậu, bằng cách đưa ra các điều kiện nhiều hơn trước khi áp dụng phong tục tập quán. Hiện nay chúng ta có cả hệ thống chính trị vào cuộc làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, do đó pháp luật phải được thực hiện một cách thống nhất trong phạm vi cả nước, kể cả vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nên đã đến lúc phải đưa các quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 đi vào cuộc sống một cách triệt để, theo hướng chỉ cho áp dụng tập quán khi pháp luật không có quy định và các bên không thỏa thuận, nhưng không trái nguyên tắc chung và điều cấm của Luật./. Lê Hằng Vân Tin mới:
Các tin khác:
|