Mấy suy nghĩ về Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
 Thứ sáu, 10 Tháng 4 2015 07:38 - 1878 Lượt xem
In

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật giám sát của QH - HĐND), nếu được Quốc hội thông qua sẽ làm nền tảng cho hoạt động giám sát của QH, HĐND và đại biểu của hai cơ quan này phát huy được tính chủ động về quyền năng pháp lý của mình, định hướng cho mọi hoạt động của xã hội đi vào nền nếp.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin góp ý chung quanh 8 điều luật có hai phương án của Dự thảo Luật giám sát QH - HĐND nhằm giúp cho Quốc hội chọn lựa phương pháp và trình tự thủ tục xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái với các luật, nghị quyết của Quốc hội; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; giám sát chuyên đề của Quốc hội; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND; giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND.

Trước năm 2002, Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng “Kiểm sát văn bản”. Theo đó, ngành Kiểm sát phát hiện các văn bản có dấu hiệu vi hiến, trái luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của HĐND... thì VKSND địa phương thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền. Trường hợp văn bản của cấp trên trái pháp luật thì báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, khắc phục kịp thời. Từ năm 2003 trở lại đây, công tác giám sát văn bản được Quốc hội giao Bộ Tư pháp thực hiện theo thẩm quyền.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu các cơ quan, ngành từ Trung ương đến cơ sở phát hiện những văn bản dưới luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật, nghị quyết của Quốc hội thì có trách nhiệm tập hợp báo cáo cấp trên xem xét xử lý, sửa đổi, bổ sung kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả nếu có xảy ra. Chẳng hạn, Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định HĐND có quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật của UBND, của Chủ tịch UBND cùng cấp và cấp dưới.

 Do đó, Dự thảo Luật giám sát của QH – HĐND lần này quy định hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND về trình tự thủ tục xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; văn bản dưới luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ. Chương trình giám sát của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội; chương trình giám sát của HĐND chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND của đại biểu HĐND để xem xét, đánh giá văn bản có dấu hiệu vi hiến, trái luật, nghị quyết của Quốc hội và các văn bản dưới luật. Nếu xác định các văn bản trái pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế. Đây là trình tự, thủ tục theo mỗi kỳ họp của Quốc hội, HĐND trong sáu tháng một lần là thời gian quá dài, vì đến khi đã xử lý văn bản trái pháp luật thì hậu quả xảy ra trên mọi phương diện trong đời sống xã hội sẽ khó có thể lường hết được.

Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi khi phát hiện văn bản có dấu hiệu vi hiến, trái luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên thì cơ quan có thẩm quyền ban hành nhận được yêu cầu, kiến nghị phải tập trung xử lý càng nhanh càng tốt, khắc phục và chấm dứt ngay hậu quả pháp lý đã và đang xảy ra. Vấn đề này đã được Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định. Việc xử lý các văn bản trái pháp luật là yêu cầu có tính chất nhạy cảm cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, khác hẳn trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cần có thời gian, điều kiện để nghiên cứu, đối chiếu, định hướng và dự báo cho tương lai trước khi ban hành áp dụng vào thực tiễn./.

                                                                                                           Thái Nguyên Toàn


Tin mới:
Các tin khác: