Bàn về quyền đặt tên trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) |
Thứ hai, 30 Tháng 3 2015 10:03 - 2210 Lượt xem |
|
|
Con người sinh ra ai cũng có tên gọi riêng để phân biệt với người khác và việc đặt tên là một trong những quyền nhân thân cơ bản, quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 chỉ quy định chung tại Điều 26 là “cá nhân có quyền có họ, tên” mà chưa quy định rõ việc đặt tên của cá nhân như thế nào. Về vấn đề trên, Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tại Điều 31 có sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn về nguyên tắc đặt tên cho cá nhân: “Việc đặt tên, sử dụng bí danh, bút danh không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc”. Thường thấy khi đặt tên cho con đa phần các ông bố bà mẹ đều muốn chọn một cái tên cho con mình thật đẹp, thật ý nghĩa để gởi gắm vào con tình thương yêu, niềm hi vọng của mình, như là Trung Hiếu, Thanh Cao, Chí Đức .v.v... Thông thường nhất là cách đặt nối tiếp tên con với tên của cha (hoặc mẹ) để thành một từ ghép, từ láy nào đó, như cha tên Bình thì con trai đầu đặt tên là Minh, mẹ tên Thảo thì con gái đầu đặt tên là Nguyên .v.v... Nhưng cũng có người sinh con ra trong một hoàn cảnh éo le nào đó, như khi bị người tình phụ bạc thì lấy cả tên cha mẹ của người tình để đặt tên cho con mình như một kiểu trả thù; cũng có người đặt tên cho con với mục đích là để luôn gợi lại một “cái gì đó” trong đời họ không thể quên,... Việc sửa đổi, bổ sung quy định có tính nguyên tắc về việc đặt tên, sử dụng bút danh, bí danh của cá nhân như Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là phù hợp, vừa bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân vừa bảo vệ được đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, với quy định như Điều 31 Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, theo chúng tôi vẫn chưa bao quát được trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước nhưng lại đặt tên bằng tiếng nước ngoài. Thực tế có không ít trường hợp, cha mẹ đã đặt cho tên cho con mình một cách thiếu lựa chọn, lai căng, gây phản cảm trong xã hội. Riêng đối với trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, tuy Bộ Luật dân sự 2005 chưa có quy định cụ thể, nhưng Thông tư số 01/2008/ TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể: “Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ”. Đơi với việc khai sinh trong nước, thời gian qua, ở rất một địa phương, đặc biệt là ở một số huyện miền núi như Tây Giang, Nam Trà My ở tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện những cái tên nghe “rất quen” nhưng cũng “rất lạ” được đặt theo trào lưu cảm tính hoặc theo sở thích nhất thời của một số người. Vì yêu thích một diễn viên điện ảnh ngoại nổi tiếng hay một cầu thủ bóng đá siêu hạng nước ngoài nào đó là người ta có thể đặt tên cho con mình theo tên của diễn viên, cầu thủ nước ngoài đó, như San Ốc, San U, Rô nan đô, Méc xi ... Thậm chí đôi khi chỉ vì thích một loại xe máy nào đó người ta cũng có thể đặt tên con theo loại xe họ thích. Nghĩ kỹ, đây không đơn giản là vấn đề đặt tên gọi của một con người mà là vấn đề liên quan đến trình độ nhận thức và ý thức của người dân về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Được biết, trong thời gian qua đối với những trường hợp nêu trên, khi người dân đến UBND xã đăng ký khai sinh, công chức tư pháp - hộ tịch thường từ chối giải quyết và giải thích, hướng dẫn người đi khai sinh nên sử dụng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc mình để đặt tên cho trẻ. Tuy nhiên, vì chưa có luật quy định rõ ràng, cho nên nhiều trường hợp người dân vẫn kiên quyết chọn tiếng nước ngoài để đặt tên cho con mình thì công chức tư pháp - hộ tịch vẫn phải giải quyết. Có thể nói trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng nhiều thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII năm 1998, đã đề ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến Đại hội XI (năm 2011) một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Như vậy có thể nói để đảm bảo cho nền văn Việt Nam hòa nhập nhưng không bị "hòa tan" hay "lai căng" một cách thô thiển, mất bản sắc dân tộc, người Việt Nam phải biết giữ gìn văn hóa đặt tên của mình. Vì thế, chúng tôi đề nghị Điều 31 Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần viết lại, theo hướng quy định như sau: “Việc đặt tên không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số của người khai sinh; đối với người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hoặc người Việt Nam có hai quốc tịch thì có thể kết hợp tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài.” Có như vậy, mới tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hộ tịch và phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta./. Kỳ Sanh & Minh Tâm Tin mới:
Các tin khác:
|