Một số điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
 Thứ năm, 30 Tháng 10 2014 13:41 - 7868 Lượt xem
In

Một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai là việc giải quyết tranh chấp đất đai. Các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai gồm Tòa án nhân dân, Chủ tịch UBND, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường. Ngoài ra, đối với trường hợp giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính, Quốc hội và Chính phủ cũng là chủ thể có thẩm quyền quyết định.

Theo trình tự tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đất đai trong các trường hợp:

  - Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ hợp lệ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 100 Luật đất đai 2013. Nhìn chung, các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 này vẫn giữ nguyên nội dung các quy định tại khoản 1,2 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 và có sự bổ sung thêm một số trường hợp đó là: các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ; Giấy tờ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014; Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp.

  - Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có các loại giấy tờ trên nhưng lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân mà không giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền. Đây là điểm mới của Luật đất đai 2013 so với Luật đất đai năm 2003, Điều 136 Luật Đất đai 2003 quy định nếu các đương sự không có các loại giấy tờ thì chỉ được giải quyết tại UBND chứ không được khởi kiện tại Tòa án.

  - Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

Trình tự hành chính sẽ được áp dụng để giải quyết đối với các tranh chấp đất đai mà đương sự không có một trong các loại giấy tờ nêu trên để chứng minh quyền của mình đối với đất đai, cụ thể:

- Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp đất đai mà đương sự là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (1)

- Nếu một bên đương sự là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh (2)

 Trong trường hợp các đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có thể khiếu nại lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đối với trường hợp 1) hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường (đối với trường hợp 2). Kết quả giải quyết lần hai này là quyết định cuối cùng bắt buộc thi hành đối với các bên. Ngoài ra, đương sự cũng có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo trình tự tố tụng hành chính.

Đặc biệt, đối với những tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính, Điều 29 Luật đất đai 2013 có quy định giao cho UBND của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau: trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định; trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định./.

Tùng Lưu


Tin mới:
Các tin khác: