Lại bàn về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất sau khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành |
Thứ ba, 17 Tháng 6 2014 09:31 - 5097 Lượt xem |
|
|
Sau khi bài viết “Bàn về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất sau khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành” của tác giả Nguyễn Kỳ Sanh đăng trên Website của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam ngày 14/4/2014, nhiều đồng nghiệp đã gửi thư, điện thoại trao đổi nghiệp vụ với tôi về công tác công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất sau ngày 01/7/2014. Cứ nghĩ vấn đề này đã quá rõ. Thế nhưng, vẫn có chuyện là hiện nay đang còn có 02 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, dựa trên ý kiến chỉ đạo của Cục Bổ trợ tư pháp tại Công văn 279/BTTP-CC ngày 26/4/2014, cho rằng khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì ở những nơi nào (đơn vị cấp huyện) chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì việc chứng thực vẫn thực hiện tại UBND cấp xã, nơi nào đã có tổ chức hành nghề công chứng thì do tổ chức đó thực hiện việc công chứng. Cụ thể Công văn 279/BTTP-CC, đã nêu rõ: “Sở Tư pháp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan tiếp tục thực hiện các Quyết định đã được ban hành”, và:“Ở những địa bàn cấp huyện có diện tích rộng, tình hình giao thông khó khăn mà số lượng tổ chức hành nghề công chứng còn ít so với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng thì trước mắt có thể chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch của một số đơn vị cấp xã gần trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; đối với các xã còn lại trong huyện thì người dân được quyền lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã”. Nghĩa là, các xã, phường, thị trấn nơi đã chuyển giao thẩm quyền chứng thực cho tổ chức hành nghề công chứng thì sẽ không có thẩm quyền chứng thực theo Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, và Sở Tư pháp sẽ tiếp tục xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định chuyển giao thẩm quyền cho các tổ chức hành nghề công chứng mới được thành lập tại các huyện. Quan điểm thứ hai, căn cứ thời điểm có hiệu lực pháp luật và nội dung Khoản 3 Điều 167 của Luật đất đai 2013, Khoản 2 Điều 689 Bộ Luật Dân sự 2005, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật 2008) và Điều 3, Điều 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 (Luật 2004), cho rằng kể từ ngày 01/7/2014, UBND cấp xã, không kể là đã chuyển giao hay chưa chuyển giao thẩm quyền chứng thực cho các tổ chức hành nghề công chứng theo các quyết định của UBND tỉnh trước đây, đều có thẩm quyền ký chứng thực các hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Quan điểm của tôi thống nhất với quan điểm thứ hai và xin nêu thêm một số vấn đề thực tiễn của việc công chứng, chứng thực trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cùng với một số kiến nghị như sau: Một là, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương là tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ mà pháp luật quy định và các quyền khác mà pháp luật không cấm. Qua theo dõi các quyết định chuyển giao thẩm quyền do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành thời gian qua cho thấy mới chỉ hướng đến mục đích “góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức”, mà chủ yếu là tập trung đầu mối về các Văn phòng công chứng chứ chưa thực sự tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Bởi vì, nếu không chuyển giao thẩm quyền thì người sử dụng đất được lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng hoặc UBND có thẩm quyền để yêu cầu chứng thực. Thực tiễn cho thấy, đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có giá trị lớn thì người sử dụng đất thường chọn tổ chức hành nghề công chứng để công chứng, còn các giao dịch về chuyển quyền, tặng cho quyền sử dụng đất giữa cá nhân với nhau thì lựa chọn UBND cấp xã. Đến UBND cấp xã, người sử dụng đất vừa thuận tiện vừa tiết kiệm thời gian và nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương thường xuyên tiếp xúc và liên hệ chặt chẽ với nhân dân nên những trường hợp có tranh chấp thì UBND xã đều biết và ngăn chặn ngay. Còn tổ chức hành nghề công chứng thì hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc là đơn vị sự nghiệp có thu, với mỗi đơn vị thường chỉ có một công chứng viên nên có những hạn chế nhất định về thời gian tiếp nhận, giải quyết yêu cầu công chứng. Mặt khác, khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng nếu có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng (khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng) nhưng trong thực tế công chứng viên chỉ đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc phát hành văn bản đề nghị các cơ quan tổ chức có liên quan phối hợp trong việc cung cấp thông tin có liên quan đến giao dịch, hợp đồng mà rất ít khi trực tiếp xác minh tính có thật của đối tượng hợp đồng. Thời gian qua, đã có một số trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân kiến nghị và UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm (Công văn số 264/UBND-NC ngày 20/01/2014). Hai là, chủ trương chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng vẫn tiếp tục là nhằm tách bạch công chứng với chứng thực. Vấn đề này có nói việc công chứng và chứng thực cũng chỉ mới tách bạch về thẩm quyền công chứng hợp đồng giao dịch về bất động sản (Điều 37 Luật Công chứng) và thẩm quyền chứng chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (Điều 5 Nghị định 79); còn việc chứng thực các hợp đồng giao dịch khác vẫn còn quy định rãi rác ở nhiều văn bản khác khác như: Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về Công chứng, chứng thực (trừ các quy định về chứng thực bản sao, chữ ký đã hết hiệu lực), Thông tư 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/ 6/ 2005 của Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liến với đất. Hoạt động của công chứng và chứng thực có nhiều điểm tương đồng về điều kiện, trình tự, thủ tục.v.v; để hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng và chứng thực, song song với Luật công chứng đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật chứng thực nhằm đảm bảo sự tách bạch giữa công chứng và chứng thực, qua đó có điều kiện nâng cao năng lực của đội ngũ công chức cấp xã và tạo điều kiện kiện cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức nào để công chứng hoặc chứng thực. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu ban hành chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cho công chức thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã, cấp huyện (chỉ những người đã qua đào tạo mới được ký chứng thực hợp đồng, giao dịch). Có như vậy khi tổ chức, cá nhân lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng hay UBND có thẩm quyền đều đảm bảo tính an toàn pháp lý và việc lựa chọn tổ chức nào để thực hiện phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ công của tổ chức đó. Về địa phương, đề nghị UBND tỉnh căn cứ Điều 3, Điều 53 của Luật 2004 và Nghị định 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp giao các cơ quan chuyên môn thuộc UBND rà soát hệ thống văn bản của HĐND, UBND đã ban hành lên quan đến lĩnh vực đất đai để trình cơ quan thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung; thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ (theo Điều 9 của Luật 2004 và Điều 11 Luật 2008) đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, Luật Đất đai 2013 và các hướng dẫn thi hành ./. Đoàn Văn Bản
Tin mới:
Các tin khác:
|