Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)
 Thứ hai, 21 Tháng 4 2014 16:04 - 1372 Lượt xem
In

Đến nay công tác xây dựng văn bản QPPL ngày càng đi vào nền nếp thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến và tạo ra cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản QPPL vẫn còn nhiều hạn chế.

Về phạm vi lấy ý kiến, thực tế cho thấy phần lớn các dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ đưa ra lấy ý kiến của một số cơ quan, ban, ngành có liên quan; do vậy, còn nhiều dự thảo văn bản QPPL chưa huy động được sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chủ thể khác nhau. Về hình thức lấy ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo thường tổ chức lấy ý kiến công khai trên cổng thông tin điện tử; tuy nhiên hình thứ này hiện chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, trong khi cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến góp ý còn chưa được thực hiện tốt.

Các văn bản góp ý do các cơ quan, tổ chức có liên quan gửi đến, do không có một cơ chế cụ thể nên việc góp ý chỉ là một chiều và hình thức, thiếu cơ chế về trách nhiệm phản hồi từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo. Do đó, việc các cơ quan chủ trì soạn thảo có tiếp thu, tiếp thu ở mức độ nào hoặc không tiếp thu thì các đơn vị gửi văn bản góp ý không được biết. Mặt khác, thời gian gửi lấy ý kiến thường rất gấp và không đảm bảo quy định; hồ sơ tài liệu gửi lấy ý kiến của dự thảo văn bản QPPL nhiều trường hợp không đầy đủ, thiếu thông tin cần thiết; nội dung một số dự thảo văn bản QPPL có quan điểm xây dựng, sửa đổi thiếu sự nhất quán. 

Trong thực tiễn do thực hiện chưa đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL về việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến  góp ý đối với các dự thảo văn bản QPPL của một số cơ chủ trì soạn thảo cho nên đã làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng của văn bản QPPL được ban hành. Vì vậy, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL trong thời gian đến cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến góp ý và giải trình rõ lý do đối với những ý kiến chưa được tiếp thu để đảm bảo chất lượng của văn bản QPPL khi được ban hành. Hiện nay, thực tế nội dung này thường chỉ được quy định trong các văn bản về công tác xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật nên việc áp dụng trong thực tế đôi khi chưa thật sự nghiêm túc và thiếu cơ chế để xử lý./.

                                                                            Nguyễn Đình Trọng

 


Tin mới:
Các tin khác: