Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường
 Thứ hai, 10 Tháng 6 2013 14:46 - 3813 Lượt xem
In

Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường được đánh giá là biện pháp pháp lý có hiệu quả, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn hại đến môi trường. Khác với các quan hệ pháp lý khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra và được giải phóng khỏi trách nhiệm với người bị hại, trong lĩnh vực môi trường đối tượng gây thiệt hại phải thực hiện đồng thời cả hai biện pháp: bồi thường thiệt hại về môi trường và khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm.

Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm gây ra thể hiện ở 5 điều: 1) Điều 130: Thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường; 2) Điều 131: Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường; 3) Điều 132: Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; 4) Điều 133: Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường; và Điều 134: Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.

Những quy định trên thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình “hiện thực hoá” nguyên tắc người gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bị thiệt hại yêu cầu bồi thường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngày 03/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2010/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện việc bồi thường thiệt hại do hành vi ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một Thông tư nào của ngành chức năng hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này dẫn đến việc thực hiện Nghị định trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Điều này chứng tỏ, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành chưa phát huy hiệu lực một cách đầy đủ, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Phải chăng vì bất cập trên mà Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung thêm điều 166 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường: “Tổ chức, cá nhân đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho môi trường trước khi ban hành Luật này, còn làm ảnh hưởng xấu lâu dài tới môi trường và sức khỏe của con người thì tùy theo mức độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ”. Như vậy trong Dự thảo, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường đã được cụ thể hóa một cách rõ hơn, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng trên thực tế.

Ngoài ra, quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc đó là:

Thứ nhất, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời đã trở thành nguyên tắc luật định, song trong lĩnh vực môi trường, thiệt hại do hành vi gây ra ô nhiễm môi trường có thể không gây thiệt hại ngay khi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi mà nó được tích lũy qua một thời gian dài mới làm phát sinh thiệt hại. Vì thế, thiệt hại đó có thể ảnh hưởng đến cả một khu vực, cả một vùng dân cư. Hơn nữa, do giá trị của các thiệt hại về môi trường thường rất lớn và khó xác định nên trong đa số trường hợp việc áp dụng trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại là điều khó có thể thực hiện được trên thực tế.

Với những khó khăn trên, pháp luật cần có các quy định mang tính linh hoạt hơn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như người gây thiệt hại đối với môi trường có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định kể từ ngày áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Có như thế, việc bồi thường thiệt hại mới mang tính khả thi.

Thứ hai, cần cân nhắc đến quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Tuy nhiên trong lĩnh vực môi trường do tính chất đặc thù của nó, thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm hại với thời điểm phát sinh thiệt hại trên thực tế không trùng nhau mà thường có một khoảng cách nhất định, có khi kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó khi chủ thể bị xâm phạm khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện có khi đã hết nên quyền lợi của họ không được pháp luật bảo vệ. Thiệt hại đối với người bị nhiễm chất phóng xạ, nhiễm hóa chất độc hại là những ví dụ điển hình trên thực tế chứng minh cho vấn đề này. Do đó, pháp luật trong lĩnh vực môi trường cần hướng tới việc quy định thời hiệu khởi kiện gắn với thời điểm thiệt hại thực tế bắt đầu xảy ra. Có như thế mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất cho người bị xâm phạm.

Như vậy, việc quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra không chỉ ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì thế, việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là rất cần thiết./.

Trương Thị Hạ


Tin mới:
Các tin khác: