Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm tiền gửi |
Thứ tư, 28 Tháng 11 2012 13:26 - 2419 Lượt xem |
|
|
Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước ban hành Lệnh số 04//2012/L-CTN công bố Luật Bảo hiểm tiền gửi. Luật này được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Dưới đây, xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật để bạn đọc tham khảo. Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tiền gửi không được bảo hiểm bao gồm: Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành. Các hành vi bị cấm gồm: Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm; gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liêu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi; cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Người được bảo hiểm tiền gửi có quyền và nghĩa vụ: Được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Người được bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có quyền và nghĩa vụ: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn; yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền và nghĩa vụ: Xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện; đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn bảo hiểm tiền gửi; chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin về bảo hiểm tiền gửi, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi trái pháp luật về an toàn hoạt đông Ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống Ngân hàng; bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tiếp nhận, hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả lại từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường hoạt động; tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Thời hạn trả tiền bảo hiểm và số tiền bảo hiểm được trả: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền. Số tiền được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm. Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm tiền gửi được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại và khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật./. Thân Phước Thành Tin mới:
Các tin khác:
|