Bộ Nội vụ có hướng dẫn mới trong công tác tuyển dụng công chức |
Thứ hai, 19 Tháng 11 2012 13:57 - 3186 Lượt xem |
|
|
Ngày 30/12/2010 Bộ Nội vụ ban hành Thông
tư số 13/2010/TT-BNV quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch
công chức theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ. Sau gần 02 năm thực hiện, ngày 24/10/2012 vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một thêm số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV nói trên. Nội dung sửa đổi của Thông tư tập trung làm rõ một số vấn đề về tiêu chuẩn thí sinh dự thi đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp trong quản lý tuyển dụng công chức trong các trường hợp đặc biệt: 1. Khẳng định rõ sự bình đẳng giữa các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ Trong thời gian qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến đánh giá chất lượng các loại hình đào tạo, từ đó đặt ra những câu hỏi có nên hay không công nhận sự bình đẳng của các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ. Trong thông báo tuyển dụng của một số địa phương trong thời gian gần đây đã không chấp nhận những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức, liên thông, gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Trước thực trạng này, Thông tư số 05/2012/TT-BNV đã thể hiện rõ quan điểm khẳng định sự bình đẳng giữa các loại hình đào tạo trong việc tham gia thi tuyển vào nền công vụ. Cụ thể là: “Khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập”. 2. Đẩy mạnh phân cấp về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt Để tăng sức thu hút đối với những người có trình độ, kinh nghiệm, những người có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc tham gia nền công vụ, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định một số trường hợp đặc biệt thực hiện việc tiếp nhận không qua thi tuyển, bao gồm: - Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo đại học ở trong nước; - Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; - Người có trình độ từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Đối với các trường hợp nói trên, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, sát hạch và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến thống nhất thì cơ quan quản lý công chức ra quyết định tiếp nhận công chức không qua thi tuyển theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng công chức được tiếp nhận không qua thi tuyển là khá lớn, cơ chế quy định như trên là thiếu tính linh hoạt đối với công tác tuyển dụng tại các bộ, ngành, địa phương, chưa phát huy tính chủ động, kịp thời trong việc tuyển dụng. Vì vậy, Thông tư số 05/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ đẩy mạnh phân cấp công tác tuyển dụng trong các trường hợp đặc biệt. Cụ thể như sau: - Cơ quan quản lý công chức quyết định việc tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV. - Đối với trường hợp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng công chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ. Thanh Nam Tin mới:
Các tin khác:
|