Ngày 30/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội. Với 5 Chương 48 Điều, Nghị định số 110/2024/NĐ-CP quy định một số nội dung đáng chú ý như sau: Đối tượng áp dụng của Nghị định là những người làm công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác xã hội tại Việt Nam. Theo Nghị định, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội; đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội... Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật. Nghị định nêu rõ, người làm công tác xã hội thuộc một trong các trường hợp sau: Công chức, viên chức, người lao động làm công tác xã hội trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; người làm công tác xã hội trong các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; người làm công tác xã hội độc lập. Nghị định quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, như: Quyền được tham vấn, tư vấn sử dụng dịch vụ công tác xã hội; Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ trong quá trình sử dụng dịch vụ công tác xã hội; quyền được lựa chọn sử dụng dịch vụ công tác xã hội; quyền được cung cấp thông tin; quyền được từ chối sử dụng dịch vụ công tác xã hội và rời khỏi cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quyền sử dụng dịch vụ công tác xã hội của người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự và các nghĩa vụ về tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; nghĩa vụ chấp hành các quy định trong quá trình sử dụng dịch vụ công tác xã hội; nghĩa vụ chi trả chi phí sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định còn có các nội dung quy định về người hành nghề công tác xã hội, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, UBND tỉnh trong công tác xã hội... Nghị định số 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2024./.
Tấn Chánh |