Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương
 Thứ sáu, 14 Tháng 1 2022 15:35 - 272 Lượt xem
In

Ngày 10/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Nghị quyết này đưa ra các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
* Quan điểm:
1. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 gắn với hoàn thiện thể chế; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
2. Kế thừa và phát huy hiệu quả các quy định hợp lý về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các quy định của pháp luật về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai khác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương.
3. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý.
4. Gắn việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp phó đó thực hiện.
5. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương.
* Mục tiêu: đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ Nhân dân.
* Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019): Hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực; Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo ngành, lĩnh vực; Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực.
Nội dung định hướng phân cấp, phân quyền và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để thực hiện phân cấp, phân quyền quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
- Các cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp, phân quyền.
- Bố trí đủ các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để các cơ quan, tổ chức sau khi được sắp xếp, kiện toàn có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao, phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quản lý trên cơ sở quy hoạch và xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và đã được phân cấp, phân quyền quản lý.
4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển các địa phương này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách.
5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nội dung quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.
Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung thực hiện; các nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ: Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

Ly Dung


Tin mới:
Các tin khác: