Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 |
Thứ hai, 08 Tháng 6 2015 09:19 - 1943 Lượt xem |
|
|
Ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án). Đề án ra đời tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Trong từng giai đoạn, Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tổng quát cụ thể như: Giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực: - Duy trì các Trung tâm TGPL theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Ở những địa bàn kinh tế xã hội khó khăn đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu TGPL thì tăng cường năng lực cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đảm bảo đủ trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng. - Đổi mới trọng tâm hoạt động TGPL, chú trọng thực hiện nhiệm vụ chính là cung cấp vụ việc TGPL, đặc biệt là những vụ việc trong lĩnh vực tham gia tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình. - Đổi mới tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường hiệu quả quản lý, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL; không thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh), Câu lạc bộ TGPL, thực hiện rà soát Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL để có giải pháp sáp nhập, giải thể. - Xã hội hóa hoạt động TGPL và huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL; đồng thời tăng mức bồi dưỡng theo vụ việc tố tụng cho các luật sư và Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL theo yêu cầu của Nhà nước. - Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL, thu hút tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL, đảm bảo người được TGPL hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng tương đương dịch vụ luật sư cung cấp trên thị trường. - Nghiên cứu, xây dựng Luật TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa tiến tới sau năm 2025 chỉ có luật sư cung cấp dịch vụ TGPL, có lộ trình chuyển các Trung tâm TGPL từ trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý thành cơ quan quản lý nhà nước về TGPL. Giai đoạn từ khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025: - Tiếp tục duy trì Trung tâm ở các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý, đồng thời có lộ trình chuyển Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL vào năm 2025. Đối với Trung tâm ở các tỉnh, thành phố còn lại thì sớm có lộ trình chuyển Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện. - Về người thực hiện TGPL: Trước năm 2025 người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Nhà nước ký hợp đồng thường xuyên với luật sư (luật sư công thực hiện TGPL) hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL. Sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư. - Từ sau năm 2025, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật TGPL (sửa đổi), xã hội hóa hoàn toàn công tác TGPL của Nhà nước, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối nguồn lực bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL kịp thời, có chất lượng tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu TGPL của người được TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; việc chi tiêu ngân sách nhà nước đạt hiệu quả cao. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: - Trước mắt là sắp xếp lại bộ máy của Trung tâm theo hướng gọn, hiệu quả, chỉ còn 02 bộ phận là bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL và quản lý nghiệp vụ, tạo tiền đề để chuyển đổi ở giai đoạn tiếp theo. - Tăng mức bồi dưỡng cho luật sư 01 buổi làm việc theo vụ việc bằng mức trần bồi dưỡng cho báo cáo viên pháp luật là chuyên viên cấp tỉnh hoặc khoán chi tối thiểu bằng 03 tháng lương cơ sở và tối đa 10 tháng lương cơ sở tùy theo tính chất vụ việc. Đối Trợ giúp viên mức bồi dưỡng vụ việc tố tụng bằng 40% mức chi bồi dưỡng theo vụ việc cho luật sư. - Nghiên cứu bổ sung vào Luật TGPL (sửa đổi) quy định Trợ giúp viên pháp lý được chuyển đổi sang Luật sư (nếu có nguyện vọng) mà không phải qua đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. - Thực hiện sắp xếp số biên chế dôi dư của Trung tâm tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, đảm bảo tổng biên chế của các Trung tâm TGPL trong toàn quốc giảm 15% so với trước khi thực hiện Đề án…. Lê Hằng Vân Tin mới:
Các tin khác:
|