Hướng dẫn mức chi cho công tác giám định tư pháp, định giá và mức chi cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng |
Thứ tư, 20 Tháng 8 2014 08:21 - 2566 Lượt xem |
|
|
Ngày 14/8/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (sau đây gọi là Nghị định 81). Chi phí giám định tư pháp: bao gồm các khoản chi phí tiền lương; thù lao cho người thực hiện giám định; khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị; chi phí vật tư tiêu hao; chi phí sử dụng dịch vụ; và các loại chi phí khác phát sinh trong thực tế phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể. Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp (bao gồm cả tổ chức công lập và ngoài công lập) và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian giám định và chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với tổ chức giám định để xác định chi phí tiền lương. Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thù lao đối với giám định viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tính dựa trên tiền lương và thu nhập thực tế; thù lao đối với giám định viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tính dựa trên chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám định có quyền tạm ứng chi phí. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định gửi Hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí; Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ đề nghị tạm ứng của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định có trách nhiệm xem xét và thực hiện việc tạm ứng theo đề nghị tạm ứng cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Mức tạm ứng tối đa không quá chi phí giám định do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định đã tính toán gửi trong Hồ sơ đề nghị tạm ứng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả giám định, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí giám định; cơ quan trưng cầu giám định giải quyết thủ tục quyết toán trong thời hạn 15 ngày. Số tiền thanh toán phải trừ đi chi phí đã tạm ứng; nếu số tiền tạm ứng vượt quá chi phí thực tế thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải trả lại phần chênh lệch cho cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày gửi Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí. Chế độ đối với người làm chứng, người phiên dịch: mức tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định; mức thù lao cho người làm chứng được hưởng bằng 100% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định; Đối với người phiên dịch tiếng nước ngoài, chế độ tiền công được tính theo quy định hiện hành về chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số được tính tiền công dựa trên mức chi cho việc biên, phiên dịch trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Người làm chứng, người phiên dịch tại phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, được hưởng chế độ tiền lương, thù lao cho người làm chứng, chế độ tiền công cho người phiên dịch bằng 50% các mức chi nêu trên. Nghị định 81 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2014./. Vĩnh Can
Tin mới:
Các tin khác:
|