Bộ Tư pháp có quy định mới về báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật |
Thứ ba, 07 Tháng 1 2014 14:31 - 2203 Lượt xem |
|
|
Ngày 18/12/2013, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 21/2013/TT-BTP quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (sau đây gọi tắ là Thông tư số 21). Theo Thông tư số 21, báo cáo viên pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định công nhận và miễn nhiệm; báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định công nhận và miễn nhiệm; báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xem xét, quyết định công nhận và miễn nhiệm; tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn sẽ do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xem xét, công nhận và cho thôi làm tuyên truyền viên. Việc miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được thực hiện khi báo cáo viên pháp luật thuộc một trong các trường hợp: Tự nguyện xin thôi làm báo cáo viên pháp luật; không còn là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân; không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; từ chối không thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp mà không có lý do chính đáng từ 03 lần trở lên; thực hiện một trong các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; bị Tòa án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Việc cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật được thực hiện khi tuyên truyền viên pháp luật thuộc một trong các trường hợp: Thực hiện một trong các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; bị Tòa án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; không còn uy tín trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, Thông tư số 21 cũng quy định một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật như: biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; biện pháp quản lý, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; biện pháp bảo đảm về tài chính cho hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Thông tư số 21 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2014 và thay thế Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 15/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật. Báo cáo viên pháp luật đã được công nhận theo quy định của Thông tư số 18/2010/TT-BTP còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục là báo cáo viên pháp luật, không phải làm thủ tục công nhận lại; đối với báo cáo viên pháp luật không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Điều 6 của Thông tư này thì việc miễn nhiệm được thực hiện theo quy định của Thông tư này./. Tùng Lưu Tin mới:
Các tin khác:
|