Tìm hiểu về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn |
Thứ năm, 14 Tháng 11 2013 16:24 - 4191 Lượt xem |
|
|
Ngày 30/9/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013 và thay thế Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003. Sau đây là một số nội dung chính của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã và quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên phải nhanh chóng, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục; không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã và áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, trừ người nước ngoài. Đối với những người tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; cha mẹ hoặc người giám hộ có nhân thân tốt, có điều kiện thuận lợi để quản lý, giáo dục người chưa thành niên và có bản cam kết thì được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng, nhằm giáo dục giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm để trở thành công dân có ích cho xã. Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã nơi người vi phạm cư trú; nơi cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em đã tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định. Thi hành quyết định giáo dục tại cấp xã. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giáo dục tại cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em được giao quản lý, giáo dục ra quyết định phân công người là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và có điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý, giáo dục người chưa thành niên , nhưng không quá 03 người cùng một lúc. Người được giáo dục gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định giáo dục tại cấp xã cho cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục và phải thực hiện đúng cam kết của mình. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định giáo dục tại cấp xã hoặc 01 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định giáo dục tại cấp xã mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã. Quyền của người được phân công giúp đỡ, gặp gỡ người được giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và những người có liên quan để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; yêu cầu người được giáo dục báo cáo về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, sửa chữa sai phạm, đề xuất biện pháp với tổ chức được giao quản lý, giáo dục. UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, giáo dục người được giáo dục, nhằm giúp đỡ họ tham gia học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục; được hưởng chế độ và hỗ trợ kinh phí cho việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng. Và có nghĩa vụ phối hợp với gia đình, nhà trường, đoàn thể; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lao động, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác, đề xuất với UBND cấp xã tạo điều kiện cho họ học tập, tìm kiếm việc làm, tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp ... Trường hợp người được giáo dục có tiến bộ rõ rệt, thì làm văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã xem xét miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định; hàng tháng báo cáo kết quả giáo dục về Chủ tịch UBND cấp xã, tổ chức được giao quản lý, giáo dục. Người ĐGD tại cấp xã có quyền tham gia lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú, tìm việc làm, xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương trong trường hợp là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia học tập hoặc dạy nghề, tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp; khiếu nại, khởi kiện quyết định, hành vi giáo dục tại cấp xã mà có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó không đúng pháp luật. Người được giáo dục còn có nghĩa vụ chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú; chịu sự quản lý, giáo dục của cơ quan và tổ chức xã hội và phải chịu sự quản lý, giáo dục, giám sát của gia đình, nhà trường; thực hiện nội dung đã cam kết; hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình. Thi hành quyết định quản lý tại gia đình, gia đình người chưa thành niên có trách nhiệm quản lý, giám sát người chưa thành niên ; tạo điều kiện cho người chưa thành niên được tham gia các chương trình học tập, dạy nghề khác, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp; phối hợp với tổ chức, cá nhân được phân công giám sát thực hiện kế hoạch giám sát người chưa thành niên nhằm giúp đỡ, động viên họ sửa chữa sai phạm để trở thành công dân tốt cho gia đình và xã hội; hàng tháng báo cáo với Chủ tịch UBND cấp xã về tình hình quản lý, giám sát người chưa thành niên. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên được thực hiện tương tự như quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục tại cấp xã. Trong thời gian thi hành quyết định quản lý tại gia đình mà người chưa thành niên tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định xử lý: Nếu hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 4 của Nghị định này, thì chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và ra quyết định giáo dục tại cấp xã; nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã gồm: Xác định tình trạng nghiện; kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; tổ chức cuộc họp tư vấn; hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục; chuyển giao đối tượng về nơi cư trú và đến cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em; các chi phí cho người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và các chi phí cần thiết khác do ngân sách địa phương cấp và hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em và các nguồn kinh phí khác (nếu có). Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này. Người được phân công giúp đỡ được hưởng khoản kinh phí hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục và có thể được HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cao hơn./. Ly Na
Tin mới:
Các tin khác:
|