Những vấn đề người lao động và người sử dụng lao động cần biết về Bộ luật lao động năm 2012 |
Thứ sáu, 29 Tháng 3 2013 09:45 - 1625 Lượt xem |
|
|
Kỳ 2. Hợp đồng lao động Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, nhưng không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Hợp đồng được giao kết bằng văn bản, mỗi bên giữ một bản, đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói. Trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết HĐLĐ phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết HĐLĐ bằng văn bản, kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, chữ ký của từng người lao động và có hiệu lực như giao kết hợp đồng với từng người. Theo đó, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người lao động yêu cầu. Người sử dụng lao đông không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ. Đối với người lao động, phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người sử dụng lao động yêu cầu. Người lao động có thể giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp giao kết HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động, thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật. HĐLĐ bao gồm các loại: Hợp đồng không xác định thời hạn; HĐLĐ có xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Khi HĐLĐ hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết từ đủ 12 tháng đến 36 tháng trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn; đối với hợp đồng đã giao kết có thời hạn dưới 12 tháng trở thành HĐLĐ có xác định thời hạn là 24 tháng. Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, nếu sau đó người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Người sử dụng lao động không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để buộc người lao động làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác. HĐLĐ đối với công việc đặc thù có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của HĐLĐ và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết. HĐLĐ đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước thì do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc; nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Thời gian thử việc theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc, nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện khác như: Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ và không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ với người lao động. (Còn tiếp…) Thân Phước Thành Tin mới:
Các tin khác:
|