Những điều cần biết về luật giám định tư pháp
 Thứ ba, 04 Tháng 9 2012 07:17 - 2004 Lượt xem
In

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2013 và thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Luật này quy định phạm vi điều chỉnh về giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, chi phí giám dịnh tư pháp, chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức trong hoạt động giám định tư pháp.

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp như: có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. Đối với giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên. Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

Những người không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm: Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội do vô ý hoặc tội ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sơ cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm: Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần hoạt động tại các cơ quan ở trung ương; Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động trong các lĩnh vực khác tại các cơ quan ở trung ương thuộc phạm vi quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương mình, theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp. Bộ trưởng Bộ quốc phòng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y. Hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc bộ mình. Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý. Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp; nếu từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết rõ lý do.

Giám định viên tư pháp có quyền, nghĩa vụ: Giám định tư pháp đối với những vụ việc có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, dân sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan và người tiến hành tố tụng, hoặc theo yêu cầu của người có yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật; từ chối giám định trong những trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian giám định không đủ để thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, các quyền nghĩa vụ khác có liên quan đến việc trưng cầu giám định.

Miễn nhiệm giám định viên tư pháp đối với một trong các trường hợp: Không đủ tiêu chuẩn hoặc không được bổ nhiệm; bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý vi phạm pháp luật về giám định tư pháp; thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như: Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp; lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi thực hiện hành vi giám định tư pháp; cố ý hoặc xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định tư pháp của người giám định tư pháp... Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì có quyền miễn nhiệm theo trình tự, thủ tục của Luật này quy định. 

Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền thành lập hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác.

Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập do 01 giám định viên tư pháp thành lập và hoạt động theo loại hình tư nhân; Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; Trưởng văn phòng giám định tư pháp là người đại diện theo pháp luật. Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và có từ đủ 05 năm trở lên làm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoạt động xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Sau thời gian 01 năm, Văn phòng giám định tư pháp không đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp thì quyết định đó hết hiệu lực. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Người yêu cầu giám định tư pháp có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan, người tiến hành tố tụng để yêu cầu giám định tư pháp, nếu người tiến hành tố tụng không chấp nhận thì trong thời gian 07 ngày phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu giám định tư pháp biết. Hết thời hạn nêu trên, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu cơ quan giám định tư pháp. Đồng thời, người yêu cầu giám định tư pháp còn có các nghĩa vụ: Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng cần giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp; nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân tổ chức thực hiện giám định trước khi nhận kết luận giám định.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình quản lý nhà nước giám định tư pháp về ngành, lĩnh vực, địa phương./.

Thân Phước Thành


Tin mới:
Các tin khác: