Kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện chủ trương hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở, thông qua mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả” ở huyện Đại Lộc
 Thứ năm, 24 Tháng 10 2019 13:43 - 1766 Lượt xem
In

Nhìn lại những năm qua, với tinh thần quyết tâm đưa pháp luật đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, ngoài việc đảm bảo kinh phí cũng như cơ sở vật chất cho công tác này, UBND huyện, Hội đồng phối hợp, các ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn huyện Đại Lộc đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.
Kể từ đầu năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, thông qua mô hình mới "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả", đã tạo được động lực mới, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn cấp xã trên toàn tỉnh, trong đó có huyện Đại Lộc. Đối với huyện Đại Lộc trong các năm 2017, 2018 và 2019 đã tiếp nhận tổng cộng 350 triệu đồng từ nguồn đầu tư của tỉnh cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn các xã, thị trấn.
Cùng với nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ kết hợp với ngân sách địa phương, UBND huyện Đại Lộc và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện đã triển khai có hiệu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng dẫn của Sở Tư pháp. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã chuyển giao đầy đủ toàn bộ kinh phí của tỉnh cho Phòng Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp huyện), đồng thời chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp làm việc với UBND các xã, thị trấn công khai dự toán, khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân ở từng địa bàn để xây dựng và ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn kinh phí này, đồng thời thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước. Qua 03 năm triển khai thực hiện mô hình này, toàn huyện đã thực hiện được hơn 370 hoạt động tuyên truyền pháp luật khác nhau tại 18 xã, thị trấn như: Mở hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, công chức tại xã, thị trấn; các buổi tuyên truyền tại thôn, khu dân cư; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền trên đài truyền thanh; mua sách bổ sung cho Tủ sách pháp luật, cấp phát tờ gấp, tờ rơi...
Bên cạnh các hình thức phổ biến, giáo dục truyền thống nêu trên, một số cơ quan, đơn vị và địa phương đã đổi mới loại hình tuyên truyền rất đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền pháp luật kết hợp với đối thoại chính sách pháp luật; tuyên truyền pháp luật qua hình thức hô hát bài chòi; lồng ghép đưa các quy định pháp luật vào các dịp hội chợ, hội trại; đáng chú ý là việc đưa báo cáo viên đến các cơ sở tôn giáo... đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân kể cả các chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia. Nhiều văn bản pháp luật do Quốc hội khóa 13 và khóa 14 ban hành đã được triển khai đến từng địa bàn dân cư, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản luật khác ...
Có thể khẳng định việc Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở với mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" là một chủ trương rất kịp thời, đúng đắn và có ý nghĩa thực tiễn cao đã đem lại kết quả rất tích cực cho huyện Đại Lộc cũng như các địa phương khác trong tỉnh, giúp các địa phương có điều kiện để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân, cơ quan, tổ chức trong việc đấu tranh phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở với mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" được triển khai thực hiện tại huyện Đại Lộc, qua 3 năm, chúng tôi rút ra được một số đánh giá bước đầu như sau:
- Trước hết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân địa phương theo từng địa bàn thôn, xã theo phương châm cung cấp những kiến thức pháp luật mà người dân cần tìm hiểu, thu hút được sự chú ý của người dân. Điều này cũng cho thấy chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Thứ hai, với nguồn lực báo cáo viên pháp luật cấp huyện được phân công trực tiếp xuống hỗ trợ tuyên truyền tại các địa bàn xã, thôn đã giúp cho các xã tháo gỡ được "vướng mắc" bởi sự hạn chế của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong điều kiện mới. Đây cũng chính là điều kiện để báo cáo viên pháp luật cấp huyện và các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp cấp huyện tăng cường phối hợp trách nhiệm và tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tích cực hơn.
- Thứ ba, chủ trương của tỉnh đã khắc phục và giải quyết được vấn đề khó khăn rất lớn của cấp xã hiện nay đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là vấn đề kinh phí dành cho công tác này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước năm 2017, kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp xã, phổ biến trên toàn tỉnh là không vượt quá 5.000.000 đồng/xã/năm, đối với các xã thuộc khu vực miền núi còn thấp hơn nhiều. Nhưng kể từ năm 2017 cho đến nay, nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bình quân hơn 9.000.000 đồng/xã/năm. Với nguồn kinh phí hỗ trợ này cùng với nguồn kính phí của cấp xã đã đã làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương có sự chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt.
- Thứ tư, với chủ trương thực hiện mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" trong những năm qua, về cơ bản bước đầu đã khắc phục được một số hạn chế, để không còn tình trạng "vừa bỏ trống địa bàn, vừa chồng chéo về địa bàn thực hiện, lại vừa trùng lắp về nội dung" trong quá trình triển khai thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Những thành công nêu trên là kết quả đạt được từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn có hiệu quả của Sở Tư pháp, cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành mặt trận, đoàn thể, các địa phương cũng như sự cố gắng, không ngừng sáng tạo, liên tục đổi mới trong công tác tham mưu của tập thể cán bộ, công chức Phòng Tư pháp để tìm ra những cách làm hay, mô hình mới để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí theo mô hình này.
Trong thời gian Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên tiếp tục tăng cường thực hiện chủ trương hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở theo mô hình "Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả", để cấp huyện, cấp xã có điều kiện tiếp tục đề ra giải pháp và hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao./.

Tư pháp Đại Lộc


Tin mới:
Các tin khác: