Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở giáo dục trong thời gian tới
 Thứ tư, 23 Tháng 10 2019 13:50 - 1821 Lượt xem
In

Trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục pháp luật theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW, giáo dục pháp luật với vị trí là một bộ phận của giáo dục đào tạo cần phải được đổi mới nội dung, chương trình, đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá... để thực hiện được mục tiêu giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện. Trong nhiều năm qua, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo công tác PBGDPL, coi đó là một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành trong việc nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên và giáo dục tư tưởng đạo đức học sinh sinh viên sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Bên cạnh viêc PBGDPL trong nhà trường bằng hình thức giáo dục thông qua chương trình các môn học có liên quan trực tiếp đến pháp luật thì công tác PBGDPL còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác như tổ chức thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị, pháp luật, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định như:
- Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường; chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao trình độ hiểu biết về kiến thức pháp luật;
- Đội ngũ giáo viên dạy môn liên quan đến công tác PBGDPL như Đạo đức, Giáo dục công dân ở các trường chưa đảm bảo về số lượng, chưa được bồi dưỡng kịp thời kiến thức về pháp luật liên quan đến chương trình giáo dục của cấp học nên chưa đáp ứng được yêu cầu theo sự phát triển;
- Công tác PBGDPL trong trường học chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, hình thức chậm đổi mới nên chưa thu hút được nhiều đối tượng học sinh;
- Nguồn tài liệu, phương tiện phục vụ cho việc PBGDPL còn ít so với nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh; chưa có giải pháp huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường.
Những giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường từ các Bộ, ngành, địa phương, các trường đến các chủ thể trực tiếp triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường. Đây là nhiệm vụ chính trị phục vụ mục tiêu đâò tạo những công dân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Thứ hai, thành lập bộ phận chuyên trách để tham mưu cho lãnh đạo và chịu trách nhiệm đầu mối phối hợp với các lực lượng trong và ngoài đơn vị trong việc triễn khai công tác PBGDPL. Bố trí cán bộ được đào tạo có chuyên môn, có nhiệt tình, am hiểu pháp luật phụ trách công tác PBGDPL; đồng thời, có kế hoạch cụ thể cả về nhiệm vụ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác để triển khai và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện một cách thường xuyên.
Thứ ba, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ về PBGDPL thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà trường theo Điều 23, 24, 28, 30 và Điều 31 Luật PBGDPL và các Chương trình, Kế hoạch, Đề án khác về PBGDPL thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, địa phương theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021.
Thứ tư, hoàn thiện tài liệu giảng dạy các môn học pháp luật trong nhà trường phù hợp với người học, cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng, chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân phụ trách tuyên truyền pháp luật; tổ chức tốt việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; tích cực, chủ động tham gia, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Thứ năm, căn cứ vào Kế hoạch công tác PBGDPL của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT hướng dẫn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đội ngũ cán bộ, viên chức, học sinh, nhất là thông qua các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, gắn hoạt động giảng dạy, học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng cho học sinh, nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình chính khóa; tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình "Câu lạc bộ pháp luật" và các loại hình Câu lạc bộ khác tại các nhà trường để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động PBGDPL.
Thứ sáu, tiếp tục bổ sung các văn bản pháp quy vào Tủ sách pháp luật ở các nhà trường để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học. Thường xuyên tổ chức các hoạt động nền nếp, định kỳ và đột xuất theo chủ đề, đặc biệt là trong các đợt cao điểm như Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút được cán bộ, giáo viên, học sinh và các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến khác.
Thứ bảy, tổ chức thường xuyên các hội nghị phổ biến, nghiên cứu kịp thời các văn bản luật do Quốc hội mới ban hành; Tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, viết tham luận, bài nghiên cứu trên chuyên mục có nội dung tuyên pháp luật trên Website của Đoàn trường...; Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới Cờ qua các hình thức như Rung chuông vàng, Đố vui để học, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến qua mạng Internet...
Thứ tám, tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường; gắn việc triển khai thực hiện Đề án với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa mới.
Thứ chín, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Giáo dục trong việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP ngày 16/11/2010 của Bộ GD & ĐT, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường; định kỳ giao ban hàng năm để đánh giá kết quả công tác PBGDPL trong trường học; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh từ đó có biện pháp phù hợp.
Thứ mười, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL: Hội nghị, tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu, thi viết về pháp luật, mô hình các câu lạc bộ, sân khấu hóa, tờ rơi, pano, các phương tiện thông tin hiện đại, phiên tòa lưu động, diễn án,...
Hy vọng với các giải pháp cụ thể trên, công tác PBGDPL ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp./.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Tin mới:
Các tin khác: