Vấn đề thực hiện quy định về "Xóa án tích" trong công tác lý lịch tư pháp
 Thứ tư, 01 Tháng 2 2012 09:26 - 4753 Lượt xem
In

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2010. Ngày 23/11/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này. Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, Sở Tư pháp các địa phương được trao thêm một số quyền hạn và chức năng mới, trong đó có quyền xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Trước đây, vấn đề đương nhiên được xóa án tích được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an, về việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp: “Trong trường hợp đương sự có án, nhưng đủ điều kiện để được đương nhiên xóa án tích hoặc được xóa án tích có điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự, thì Sở Tư pháp hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xóa án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự”. Hiện nay, theo quy định tại Điều 33 Luật Lý lịch tư pháp và Điều 17 Nghị định 111/2010/NĐ-CP, thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án. Do vậy, việc nắm vững các quy định liên quan về chế định “xóa án tích” là một đòi hỏi quan trọng đối với cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

Xóa án tích là một chế định pháp lý mang tính nhân đạo của luật hình sự thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích nữa và không phải tiếp tục gánh chịu bất cứ hậu quả nào do việc kết án mang lại. Người được xóa án tích được coi như chưa bị kết án (không có tiền án). Điều đó có nghĩa là kể từ thời điểm được xóa án tích, họ trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Sau khi đã được xóa án tích, mọi giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu. Theo quy định tại các Điều 64 và 65 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì có hai hình thức xóa án tích. Đó là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích do Tòa án quyết định.

Đương nhiên xóa án tích là trường hợp được cấp giấy chứng nhận xóa án mà không cần có sự nhận xét, quyết định của Tòa án. Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự thì hình thức đương nhiên được xóa án tích được áp dụng như sau:

Về đối tượng áp dụng: Có 02 loại đối tượng: một là, người được tòa án miễn hình phạt được đương nhiên xóa án tích khi bản án có hiệu lực pháp luật và họ đã chấp hành xong các quyết định khác được nêu trong bản án; hai là, người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù (kể cả phạt tù cho hưởng án treo).

Về điều kiện áp dụng: Đối với người được miễn hình phạt thì không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Đối với các trường hợp khác thì phải có đủ 2 điều kiện sau đây: một là, tội phạm mà người bị kết án không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; hai là, người bị kết án không phạm tội mới trong thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án. Những thời hạn cụ thể theo quy định của pháp luật nói ở đây là: 01 năm, đối với người bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 03 năm, đối với người bị phạt tù đến 03 năm; 05 năm, đối với người bị phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm; 07 năm, đối với người bị phạt tù trên 15 năm.

Việc chấp hành xong bản án được hiểu là người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án như việc bồi thường thiệt hại, nộp án phí… Trường hợp được Tòa án tuyên miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi là đã chấp hành xong.

Có thể nói, Luật Lý lịch tư pháp giao cho Sở Tư pháp trách nhiệm chủ động xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án, có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm tính chính xác trong việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho những người được đương nhiên xóa án tích, đồng thời tạo thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng.


Trần Thị Kim Phượng

                                                                                                          Phòng HCTP-BTTP

 

 

Tin mới:
Các tin khác: