Một số kinh nghiệm qua đợt khảo sát theo dõi thi hành pháp luật tại các tỉnh bạn
 Thứ tư, 21 Tháng 12 2011 13:35 - 2107 Lượt xem
In

          Được sự thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Tư pháp đã thành lập Đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm về công tác theo dõi thi hành pháp luật, với 8 thành viên thuộc các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh và Phòng Tư pháp huyện Tiên Phước. Theo lịch trình dự kiến trước, trong thời gian từ ngày 08 đến 15-11-2011, Đoàn khảo sát đã đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh bạn: Ninh Thuận, Bình Dương và Đồng Tháp.

          Quan đợt khảo sát, Đoàn công tác của tỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm có thể áp dụng tại địa phương như sau:

         Một là, trong lĩnh vực theo dõi xử lý vi phạm hành chính, những năm qua UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố ở Quảng Nam chưa giao cho cơ quan chuyên môn nào làm đầu mối giúp Chủ tịch UBND thực hiện công tác kiểm tra theo Điều 117 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Do đó các quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND không có cơ quan, đơn vị nào theo dõi việc ban hành, kết quả thi hành. Cụ thể, việc thực hiện Kế hoạch 1796/KH-UBND ngày 25-5-2011 của UBND tỉnh về triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2011, đến nay các huyện, thành phố đã có số liệu báo cáo, nhưng ở cấp tỉnh số liệu về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh chưa tổng hợp được, vì các cơ quan chức năng không báo cáo thống kê thường niên.

         Để khắc phục tồn tại nêu trên, trong thời gian tới đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giao cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện công tác này. Việc giao nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên cho một cơ quan giúp Chủ tịch UBND các cấp trong việc kiểm tra xử lý VPHC tại địa phương sẽ tạo ra được sự thống nhất, liên tục, thường xuyên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong công tác thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

         Thực tế cho thấy không ít trường hợp người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, khi thực hiện thẩm quyền của mình đã có những sai phạm, như ban hành quyết định xử phạt không đảm bảo về hình thức; trình tự, thủ tục không tuân thủ đúng quy đinh; áp dụng thời hiệu, thời hạn xử phạt sai; bỏ lọt không xử lý nhiều hành vi vi phạm hành chính nghiêm trong… Những trường hợp xảy ra sai phạm này, nếu như có một cơ quan theo dõi, tham mưu Chủ tịch UBND các cấp hướng dẫn xử lý kịp thời thì sẽ hạn chế được khá nhiều những thiếu sót có thể xảy ra. Đồng thời còn khắc phục được tình trạng chồng chéo, nhiều cơ quan cùng thực hiện công việc này nhưng không có cơ quan nào theo dõi tổng hợp chung như trong thời gian vừa qua.

         Cơ quan Tư pháp địa phương là cơ quan chuyên môn giúp UBND thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, do đó việc giao cơ quan này giúp UBND, Chủ tịch UBND kiểm tra việc thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, cùng với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành là hợp lý. Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật nói chung, theo dõi thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nói riêng, cơ quan Tư pháp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong công tác tham gia góp ý đối với các văn bản pháp luật, đặc biệt là các nghị định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, giúp cho việc thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực được thống nhất, tránh chồng chéo.

         Hai là, nếu giao nhiệm vụ theo dõi thi hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thì công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính hằng năm, không nhất thiết phải thành lập nhiều đoàn mà kết hợp Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, huyện.

          Ba là, trong trường hợp có vướng mắc về thủ tục, về áp dụng mức phạt hoặc những trường hợp phức tạp, các cơ quan đơn vị, người có thẩm quyền cần tư vấn trước khi ban hành quyết định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các quyết định xử phạt hành chính bị khiếu nại hoặc bị khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Trường hợp quyết định xử phạt hành chính bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ, thì vấn đề không chỉ là thủ tục giải quyết khiếu nại hay thủ tục tố tụng hành chính mà vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho những thiệt hại của đương sự còn phải đặt ra .

         Xin nói thêm, nếu giao giao công tác quản lý và theo dõi thi hành Pháp lệnh xử lý vi pham hành chính cho cơ quan Tư pháp, thì từ khi tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý cho đến việc giúp đỡ pháp lý cho cơ quan này khi bị khởi kiện tại tòa án và cho đến khi tiếp nhận yêu cầu, giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho công dân (nếu có) theo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, là một quá trình liên tiếp theo quy định thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tư pháp địa phương.

        Bốn là, nếu giao thêm nhiệm vụ mới cho cơ quan Tư pháp thì Nhà nước chỉ bổ sung thêm biên chế cho công tác theo dõi thi hành pháp luật và bồi thường nhà nước mà không phải thành lập thêm Phòng nghiệp vụ mới.

         Trước khi tiến hành cuộc khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, đầu tháng 10/2011, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước tổ chức buổi Tọa đàm, theo chủ đề “Thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính”. Nhiều đồng chí Chủ tịch UBND huyện, thành phố tham dự Tọa đàm đều đồng tỉnh ủng hộ và đề nghị Sở Tư pháp tham mưu UBND, Chủ tịch UBND tỉnh có chủ trương để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

        Qua đợt khảo sát này, một lần nữa cho thấy vấn đề đã chín muồi, cả về phương diện pháp lý cũng như thực tiễn, để lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo UBND tỉnh xem xét giao nhiệm vụ cho ngành Tư pháp địa phương thực hiện Điều 117 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thống nhất trên địa bàn tỉnh./.

Văn Đoàn

(Sở Tư pháp Quảng Nam)


Tin mới:
Các tin khác: