Hoạt động Trợ giúp pháp lý với công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù
 Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 08:23 - 1652 Lượt xem
In

Hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh từ khi Luật TGPL ra đời ( (01/01/2007) cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định trong nhiều lĩnh vực trong đó, việc tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân, người khuyết tật cũng mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể như sau:

Đối với người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Mỗi đợt TGPL lưu động đều dành phần đầu 01giờ - 01 giờ 30 để tuyên truyền miệng về Luật liên quan đến đồng bào như: Luật Hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ học sinh, sinh viên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ tham gia trồng, bảo vệ rừng đối với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Cách thức biên soạn tài liệu cũng khác, chủ yếu cung cấp ngắn gọn, dễ hiễu, dễ nhớ, theo cách cầm tay chỉ việc. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL còn sử dụng 02 viên chức của Trung tâm là người dân tộc thiểu số để “ thông dịch viên” , có như vậy mới “đem được cái luật” đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đối với ngư dân vùng bãi ngang ven biển: Cũng tương tự như trên, mỗi đợt TGPL lưu động đều dành thời gian để tuyên truyền miệng về Luật liên quan đến đồng bào ven biển như: Luật biển Việt Nam năm 2012, chế độ hỗ trợ ngư dân đóng ngư lưới cụ, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982... Trong quá trình tuyên truyền, sử dụng máy chiếu với nhiều hình ảnh sinh động để minh họa, nhất là các hoạt động của Hải quân Việt Nam tham gia bảo vệ vùng biển để nhân dân vừa nắm bắt được Luật biển, vừa có niềm tin để yên tâm bám biển. Đặc biệt, đối với người khuyết tật: Ngoài tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng theo yêu cầu của người khuyết tật, hằng năm TGPL còn mở nhiều lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho người khuyết tật, trong đó chủ yếu tuyên truyền Luật TGPL, quyền và nghĩa vụ của Người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010, Nghị định 28/2012 hướng dẫn thi hành Luật Người Khuyết tật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia PBGDPL cho đối tượng đặc thù của Trung tâm TGPL vẫn còn những khó khăn nhất định như: Hiện nay, nhu cầu PBGDPL của nhân dân nói chung và cho đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nhu cầu TGPL, PBGDPL nhiều nhưng địa hình đi lại khó khăn, trong khi đó lực lượng tham gia công tác này còn mỏng nên có hạn chế nhất định về hiệu quả, chất lượng thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL tuy được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL và PBGDPL cho đối tượng đặc thù tại địa phương nhất là các huyện nghèo.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trong lĩnh vực PBGDPL cho đối tượng đặc thù, thời gian tới cần quan tâm các nội dung sau:

- Hiện nay, theo Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015- 2025 thì năm 2016 hoạt động TGPL lưu động theo hai Chương trình 52, 59 của Thủ tướng Chính phủ bị cắt bỏ, đây là nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ để TGPL lưu động cho các xã của huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển….Thông qua hoạt động này, Trung tâm TGPL đã lồng ghép thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiếu số, người khuyết tật. Do vậy, kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí TGPL cho đối tượng đặc thù, để hoạt động TGPL dần đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả hơn.

- Đề nghị ngành cấp trên cần quan tâm thường xuyên mở những lớp bồi dưỡng chuyên sâu dành cho người thực hiện TGPL cho đối tượng đặc thù; biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng đặc thù để hoạt động đạt chất lượng cao hơn.

- Tiếp tục củng cố và duy trì các Chi nhánh TGPL ở các huyện miền núi, nơi có viên chức là người dân tộc thiểu số và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này trực tiếp tham gia TGPL, PBGDPL trong đó có đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng có điều kiện tiếp cận cũng như gắn bó lâu dài với miền núi hơn là những viên chức ở đồng bằng điều động lên miền núi.

- Cần có cơ chế phối hợp, theo hướng xâu tất cả các đầu mối, cơ quan, đơn vị có hoạt động liên quan đến đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, để thông qua các hoạt động này, việc tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng đặc thù mới được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả hơn./.

          Lê Văn Hương


Tin mới:
Các tin khác: