Thuật ngữ “tra tấn” trong Hiến pháp năm 2013 cần được hiểu như thế nào cho đúng? |
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 10:25 - 2153 Lượt xem |
|
|
Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.” Theo quy định trên, quyền không bị tra tấn là một quyền hiến định Nhà nước dành cho công dân như một bảo đảm pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền không bị tra tấn cho công dân theo như Hiến pháp quy định thì việc hiểu đầy đủ nội dung của thuật ngữ “tra tấn” là việc hết sức cần thiết đối với mọi người, mà trước hết là những người đang làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Tại thời điểm này, khi mà Việt Nam đã trở thành một thành viên của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn), của Liên hiệp quốc (được Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết phê chuẩn ngày 28/11/2014), thì việc hiểu và vận dụng thuật ngữ “tra tấn” không thể theo suy nghĩ chủ quan của bất kỳ ai mà phải tuân theo đúng tinh thần định nghĩa của Công ước này. Điều 1 của Công ước chống tra tấn, quy định như sau: “Với mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc khổ sở đối với một người về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích thu thập thông tin hoặc sự nhận tội từ người đó hoặc một người thứ ba, trừng phạt người đó về một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ đã thực hiện, đe dọa hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do gì khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục hoặc với sự đồng ý hoặc sự chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công vụ. Khái niệm này không bao gồm sự đau đớn hoặc khổ sở là kết quả đương nhiên hoặc ngẫu nhiên của các hình phạt hợp pháp.” (theo bản dịch của Phòng 5-V19 Bộ Công an). Quy định trên đây của Công ước chống tra tấn, đòi hỏi các quốc gia thành viên buộc phải chấp nhận mà không được bảo lưu. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, của Việt Nam quy định về mối quan hệ hiệu lực thi hành giữa điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước, như sau: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.” (Khoản 1, Điều 6). Như vậy cũng có thể hiểu là kể từ thời điểm Công ước chống tra tấn có hiệu lực đối với Việt Nam (07/3/2015), thì những quy định nào trong các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến thuật ngữ “tra tấn” mà khác với quy định của Công ước thì phải áp dụng theo Công ước. Dưới đây, trên cơ sở bản tiếng Việt của Công ước chống tra tấn, chúng tôi xin phân tích làm rõ một số nội dung của thuật ngữ “tra tấn” trong Công ước này để mọi người tham khảo. Trước hết, theo yêu cầu của Công ước chống tra tấn, các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi hành vi tra tấn đều là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước mình. Bộ luật Hình sự của nước ta hiện nay (kể cả Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi), đều không quy định tội tra tấn, mà hành vi tra tấn được quy định thành hai tôi riêng biệt đó là tội dùng nhục hình và tội bức cung. Với bài viết này chúng tôi tạm coi hành vi tra tấn là một tội danh cụ thể, để xem xét chung trong một thuật ngữ. Xét theo bốn yếu tố cấu thành tội phạm thì mặt chủ quan của tội tra tấn được can phạm thực hiện một cách cố ý, không kể bất kỳ động cơ, mục đích nào và cũng không một lý do nào được đưa ra để biện minh, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, sự bất ổn định về chính trị trong nước hoặc các tình trạng khẩn cấp khác. Khách thể của tội này là quyền không bị tra tấn của con người (công dân và thể nhân), xét trên cả hai phương diện thể xác và tinh thần. Mặt khách quan của tội tra tấn được thể hiện bởi những hành vi, thủ đoạn, phương tiện cụ thể mà can phạm đã sử dụng cùng với những hậu quả pháp lý do những hành vi, thủ đoạn, phương tiện đó gây ra. Về hành vi tra tấn cụ thể, rất đa dạng, do một người hay nhiều người cùng thực hiện, can phạm có thể tra tấn nạn nhân bằng tay chân hoặc có thể kết hợp dùng thêm vật hỗ trợ khác như cây gậy, roi điện,... hoặc lợi dụng thêm các phương tiện như âm thanh, ánh sáng, hóa chất... làm tác nhân tra tấn. Về thủ đoạn thực hiện cũng rất đang dạng, như bỏ đói, bỏ rét nạn nhân nhiều ngày, tra tấn vào ban đêm, vào buổi trưa, tra tấn liên tục để gây căng thẳng; cột, trói, đặt nạn nhân vào những tư thế khó chịu kéo dài làm cho nạn nhân tê liệt ý chí tự chủ... Ngoài ra, trong mặt khách quan của tội tra tấn, can phạm có thể hoàn toàn không sử dụng bạo lực về thể xác mà sử dụng các hành vi, thủ đoạn tác động về mặt tinh thần có thể gây đau đớn hơn cho nạn nhân. Đó có thể là sự sự nhục, chửi mắng, xúc phạm danh dự, đe dọa trực tiếp hoặc tạo thông tin giả để gây khổ sở, đau đớn cho nạn nhân... Về chủ thể của tội tra tấn, Công ước chống tra tấn quy định phạm vi rộng hơn Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta. Nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công vụ mà Công ước chống tra tấn đề cập ở đây có thể là điều tra viên (kể cả các nhân viên điều tra khác) trong giai đoạn điều tra, kiểm sát viên (kể cả cán bộ kiểm sát khác) trong giai đoạn kiểm sát điều tra và truy tố, thẩm phán (kể cả các nhân viên khác của tòa án) trong giai đoạn xét xử, các nhân viên quản giáo trong giai đoạn thi hành án phạt tù và nhân viên quản giáo trong các cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng. Ngoài ra, những người thi hành công vụ trong các cơ quan được giao một số thẩm quyền tố tụng hạn chế như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm... cũng có thể là chủ thể của tội tra tấn. Điều đáng lưu ý ở đây là sự thể hiện ý chí của một nhân viên cấp trên đối với nhân viên cấp dưới thông qua việc “đồng ý” hoặc “chấp thuận” để hành vi tra tấn được thực hiện cũng bị coi là đồng phạm của tội tra tấn. Đây chính là điểm “rộng hơn” về mặt chủ thể của Công ước so với Bộ luật Hình sự của nước ta. Vì theo pháp luật hình sự của nước ta, một người có thẩm quyền nhưng không trực tiếp chỉ đạo (xúi giục) hoặc tham gia thực hiện hành vi tra tấn, tuy biết được có hành vi tra tấn trên thực tế đã và đang xảy ra nhưng làm ngơ, không ngăn chặn thì thường bị cáo buộc vào hành vi thiếu trách nhiệm để xử lý bằng một tội danh khác chứ không phải tra tấn. Cũng cần nói thêm rằng, theo tinh thần của Công ước chống tra tấn, thì tất cả những thông tin do các cơ quan tiến hành tố tụng thu được trong hồ sơ vụ án nếu được chứng minh là sản phẩm của hành vi tra tấn thì đều bị coi là không có giá trị pháp lý, bất kể sản phẩm đó có đúng với sự thật khách quan hay không./. Đặng Văn & Thái Nguyên Tin mới:
Các tin khác:
|