Đôi điều về Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính
 Thứ năm, 01 Tháng 10 2015 13:34 - 2454 Lượt xem
In

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính (lần 2, sau đâu gọi tắt là Dự thảo), có thể thấy còn nhiều vấn đề về phạm vi và đối tượng điều chỉnh cần được sửa đổi, bổ sung để góp phần giúp cho các cơ quan, người có thẩm quyền khi ban hành quyết định hành chính được chuẩn mực và thống nhất; các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan chấp hành đúng pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo cần được quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục và kỹ thuật trình bày văn bản một cach thống nhất. Các quyết định hành chính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng, quyết định xử lý vi phạm hành chính; quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo không được Dự thảo đưa vào phạm vi đối tượng điều chỉnh là chưa phù hợp với thực tế khách quan. Bởi tất cả các loại quyết định hành chính đều được áp dụng cho một người hoặc một nhóm người, áp dụng trong một thời gian và không gian nhất định. Do đó, Dự thảo luật cần phải điều chỉnh tất cả các loại quyết định hành chính của các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng pháp luật theo một khuôn mẫu nhất định, trừ các loại quyết định quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành theo Luật riêng.

Về đối tượng có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính theo Dự thảo chỉ có Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị được tổ chức theo ngành dọc; Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước... là chưa được đầy đủ. Bởi các quyết định hành chính về áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền ban hành cao hơn những đối tượng nêu trên, như Thủ tướng Chính phủ cũng thuộc loại quyết định hành chính. Cho nên các quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng cần phải tuân thủ đúng hình thức, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định chung của Luật ban hành quyết định hành chính.

Một số quy định cụ thể của Dự thảo luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức là đối tượng thi hành quyết định hành chính. Chẳng hạn, điểm a khoản 1, Điều 8 quy định (cá nhân, tổ chức là đối tượng thi hành quyết định hành chính có quyền): “Được tham gia vào quá trình ban hành quyết định hành chính theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và pháp luật liên quan”  là chưa khả thi. Bởi một khi cá nhân là đối tượng của quyết định được tham gia vào quá trình ban hành quyết định theo Dự thảo thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ rất khó để ban hành quyết định hành chính, nhất là quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư cho cá nhân bị điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Hy vọng những ý kiến đóng góp trên, các cơ quan có thẩm quyền quan tâm chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế khách quan, khi Luật ban hành quyết định hành chính được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý, giúp cho các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính đúng pháp luật./.

                                                                                           Thân Phước Thành

 


Tin mới:
Các tin khác: