Về cấu thành tội dùng nhục hình và tội bức cung trong Dự thảo BLHS sửa đổi |
Thứ năm, 03 Tháng 9 2015 07:48 - 2602 Lượt xem |
|
|
Đúng một năm sau khi thông qua Hiến pháp năm 2013, ngày 28/11/2014 Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 8) đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Theo Thông báo số 07/2015/TB-LPQT ngày 12/3/2015 của Bộ Ngoại giao thì Công ước chống tra tấn bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 07/3/2015. Có thể nói việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới về sự cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận tại Điều 20 của Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Để cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013 và thực thi nghĩa vụ của một quốc gia thành viên theo quy định của Công ước chống tra tấn (Mỗi Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình); Dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi lần này cũng đã sửa đổi 2 điều luật quy định 2 tội danh trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng sát hợp hơn với nội dung định nghĩa về thuật ngữ “tra tấn” theo Điều 1 của Công ước. Hai tội danh đó là tội dùng nhục hình (Điều 386) và tội bức cung (Điều 387). Tuy nhiên, khi đối chiếu nội hàm của hành vi dùng nhục hình và hành vi bức cung được mô tả trong 2 điều 386 và 387 của Dự thảo BLHS sửa đổi với nội hàm của hành vi tra tấn được nêu tại Điều 1 Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc, chúng tôi thấy còn một số vần đề cần phải bàn thêm. Về nguyên tắc, đối với các điều ước quốc tế, những quy định nào chúng ta không tuyên bố bảo lưu khi tham gia ký kết hoặc phê chuẩn, thì những quy định đó được hiểu là mặc nhiên chấp nhận và phải có nghĩa vụ tuân thủ một cách đầy đủ. Theo đó, Điều 1 của Công ước chống tra tấn đã đưa ra định nghĩa đối với thuật ngữ “tra tấn” mà Nhà nước ta đã không bảo lưu khi ký kết và phê chuẩn, cũng có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận định nghĩa “tra tấn” của Công ước và có nghĩa vụ nội luật hóa theo tinh thần của nó. Điều 1 Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc quy định: “Theo mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và khổ đau đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với, hoặc có liên quan đến, các biện pháp trừng phạt hợp pháp”. Trước hết, chúng ta hãy xem xét và đối chiếu cấu thành cơ bản của tội “dùng nhục hình” theo Điều 386 của Dự thảo BLHS sửa đổi với định nghĩa “tra tấn” của Công ước Liên hiệp quốc. Khoản 1 Điều 386 Dự thảo BLHS sửa đổi quy định: “Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tước tự do mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Có thể nói khái niệm “dùng nhục hình” trong Dự thảo BLHS còn quá hẹp và chưa bao hàm được khái niệm “tra tấn” của Công ước Liên hiệp quốc. Vì khái niệm “dùng nhục hình” thường được hiểu trong giới hạn của sự tác động trực tiếp lên thể xác hơn là tinh thần. Cho dù điều luật có mô tả cả hành vi “hạ nhục nhân phẩm” (tác động trực tiếp về mặt tinh thần), thì việc xây dựng cấu thành cơ bản của tội dùng nhục hình như Điều 386 Dự thảo BLHS sửa đổi cũng chưa bao quát được hành vi “cố ý gây đau khổ nghiêm trọng về mặt tinh thần” của nạn nhân như Công ước chống tra tấn đã nêu. Có thể đưa ra một ví dụ cụ thể như, hành vi dùng lời lẽ (hoặc thủ đoạn khác) đe dọa, uy hiếp về tinh thần một cách có tính toán, có “bài bản”, làm cho nạn nhân luôn ở trong trạng thái nơm nớp lo sợ, đau đớn về tinh thần mà bị hoảng loạn, sống không bằng chết. Với hành vi, thủ đoạn như vậy thì khó mà nói là “dùng nhục hình” hay “hạ nhục nhân phẩm”, trong khi bên thực hiện hành vi đó lại là “bên có thế”, còn nạn nhân lại ở trong tình trạng thất thế. Do đó, theo chúng tôi, cần bổ sung cụm từ “hoặc gây đau đớn về tinh thần” vào liền sau cụm từ “hạ nhục nhân phẩm” trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 386 Dự thảo BLHS sửa đổi, như đã nêu trên. Mặt khác, trong các cấu thành định khung của tội dùng nhục hình được quy định tại Điều 386 Dự thảo BLHS sửa đổi, chúng ta cũng thấy thiếu đi một số yếu tố rất quan trọng, như yếu tố “có tổ chức”, yếu tố “xúi giục”, hay “ưng thuận hoặc làm ngơ”… của người có thẩm quyền để mặc cho nhân viên thừa hành thực hiện hành vi dùng nhục hình. Rõ ràng, những yếu tố này theo Công ước nêu trên của Liên hiệp quốc phải bị coi là hành vi “tra tấn” do đó phải xác định là tội phạm. Xét về mặt thực tiễn cũng như về mặt lý luận các yếu tố này có ý nghĩa rất lớn để hoặc là có thể ngăn ngừa một cách có hiệu quả hành vi tra tấn hoặc là có thể góp phần làm cho hành vi tra tấn gây ra hậu quả nặng nề hơn. Thứ hai, chúng ta hãy xem xét và đối chiếu hành vi “bức cung” được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội bức cung theo Điều 387 Dự thảo BLHS sửa đổi với định nghĩa “tra tấn” như đã nêu, trong Công ước của Liên hiệp quốc. Khoản 1 Điểu 387 Dự thảo BLHS sửa đổi, quy định: “Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị thẩm vấn phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Với quy định này và theo tinh thần của cả điều luật có thể hiểu hành vi bức cung cũng là hành vi tra tấn, và hành vi dùng nhục hình cũng có thể là mặt khách quan của hành vi bức cung. Điểm khác nhau là hành vi bức cung được giới hạn bởi điều kiện là đối tượng phải đang còn ở trong giai đoạn bị thẩm vấn, tức là chưa bị kết tội. Tuy nhiên, trong cấu thành cơ bản của điều luật sử dụng cụm từ “dùng thủ đoạn trái pháp luật”, theo chúng tôi là còn quá chung chung, sẽ khó áp dụng trong thực tiễn. Do đó đề nghị thay cụm từ này bằng cụm từ khác cụ thể và sát nghĩa hơn với khái niệm “tra tấn” của Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc. Cụ thể, nên thay bằng cụm từ “sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào nhằm gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần”. Theo đó, cấu thành cơ bản của tội bức cung nên thiết kế lại là: “Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào nhằm gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần để ép buộc người bị thẩm vấn phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Tương tự Điều 386, trong các cấu thành định khung của tội bức cung được quy định tại Điều 387 Dự thảo BLHS sửa đổi, cũng thiếu một số yếu tố rất quan trọng, như yếu tố “có tổ chức”, yếu tố “xúi giục”, hay “ưng thuận hoặc làm ngơ”… của người có thẩm quyền để mặc cho nhân viên thừa hành thực hiện hành vi bức cung. Những yếu tố này cũng phải bị coi là tội phạm và phải truy cứu trách nhiệm hình sự./. Nguyễn Kỳ Sanh Tin mới:
Các tin khác:
|