Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác trợ giúp pháp lý ở tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến
 Thứ năm, 28 Tháng 8 2014 14:26 - 3277 Lượt xem
In

Trong những năm qua, trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã khẳng định vị trí vai trò của công tác này trong việc TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, trở thành một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao dân trí...góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có thể nói, Quảng Nam là tỉnh có số lượng đối tượng được TGPL rất lớn (chiến gần 45% dân số toàn tỉnh)  đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số. Các đối tượng này luôn được sự quan tâm, giúp đỡ rất tận tình từ phía tổ chức thực hiện TGPL mà điển hình là Trung tâm TGPL. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được tăng cường, tích cực tham gia tố tụng, là lực lượng nòng cốt trong triển khai hoạt động nghiệp vụ TGPL. Đội ngũ Cộng tác viên TGPL đông đảo, hoạt động tích cực đáp ứng được nhu cầu TGPL. Hiện nay, Trung tâm TGPL có tổng số 38 người trong đó có 10 Trợ giúp viên pháp lý hoạt động tại Trung tâm và 07 Chi nhánh (tại các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Trà My, Hội An, Đại Lộc, Thăng Bình); cộng tác viên: có 267 cộng tác viên (trong đó có 14 luật sư; 42 cấp tỉnh; 111 cấp huyện; 105 cấp xã); Hoạt động TGPL được tổ chức rất đa dạng về hình thức và nội dung trong đó, công tác hướng mạnh về cơ sở, trực tiếp đến với các đối tượng này thông qua hoạt động TGPL lưu động luôn được nêu cao. Trong những năm gần đây, hoạt động TGPL lưu động của Trung tâm TGPL đã thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân, mang lại nhiều kết quả khả quan. Ngoài ra, trong hoạt động bào chữa, bảo vệ đối tượng TGPL đã đem lại nhiều kết quả đáng kể, tạo niềm tin đối với nhân dân.

altalt

(Một số hình ảnh buổi TGPL)

Tuy nhiên, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh cũng đã bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế cần được khắc phục, điển hình như: một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn nhận thức hạn chế, chưa toàn diện, đầy đủ về vai trò, vị trí của TGPL; vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hoạt động TGPL ở cơ sở do đó, hoạt động TGPL lưu động của Trung tâm TGPL không được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương. Việc thành lập một số Chi nhánh chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, các Chi nhánh còn thành lập dàn trải, không căn cứ vào nhu cầu TGPL, Trưởng Chi nhánh không phải là Trợ giúp viên pháp lý, một số Chi nhánh không có Trợ giúp viên pháp lý. Việc khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, Tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL mới chỉ đạt 16%, chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có Câu lạc bộ TGPL tuy nhiên, vẫn còn nhiều Câu lạc bộ TGPL hoạt động còn hình thức, một số Câu lạc bộ chưa duy trì sinh hoạt thường xuyên, chất lượng chưa cao, phụ thuộc nhiều vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ nhìn chung còn đơn giản, thiếu tình huống, vụ việc vướng mắc cụ thể. Ngoài ra, trụ sở làm việc của Chi nhánh vẫn còn hạn chế, ở nhiều Chi nhánh vẫn chưa có Trụ sở riêng mà được bố trí chung trụ sở với Phòng Tư pháp cấp huyện nên chưa thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận; chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ thực hiện TGPL không tương xứng với yêu cầu công việc, chế độ khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia thực hiện TGPL chưa thuyết phục, không có quy định dành kinh phí cho các tổ chức khi đăng ký tham gia TGPL.

Để công tác TGPL trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, trong thời gian đến, ngoài việc thực hiện một số giải pháp chung như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TGPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TGPL, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL đến mọi người dân và nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ viên chức TGPL, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò nòng cốt của Trung tâm TGPL Nhà nước trong việc TGPL: xác định rõ nhiệm vụ TGPL cho đối tượng được TGPL theo pháp luật là việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; do đó, trong thời gian tới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thông qua chức năng và nhiệm vụ của mình cần có biện pháp nâng cao vai trò làm nòng cốt trong quá trình tổ chức, thực hiện TGPL, cụ thể tập trung vào các giải pháp như: tập trung củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực bộ máy tổ chức của Trung tâm TGPL Nhà nước và Chi nhánh theo đúng các quy định pháp luật, bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Chấm dứt hoạt động đối với các Chi nhánh thành lập không đúng quy định, không có Trợ giúp viên pháp lý. Rà soát hoạt động của Câu lạc bộ TGPL, chấm dứt hoạt động đối với Câu lạc bộ không hiệu quả. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cần chủ động trong việc đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện TGPL, đóng vai trò xung kích trong việc thực hiện TGPL đối với những đối tượng được TGPL theo quy định và mở rộng đến với đối tượng cận nghèo, người có thu nhập thấp như công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp;…và lĩnh vực TGPL mà các tổ chức xã hội chưa thực sự quan tâm hoặc không có điều kiện thực hiện TGPL. Ngoài ra, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cần có biện pháp thực hiện đa dạng hóa các phương thức, mô hình TGPL như: TGPL lưu động, TGPL tại các Điểm bưu điện văn hóa xã, Câu lạc bộ TGPL, hòm thư TGPL, TGPL tại trụ sở tiếp dân; TGPL lồng ghép với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo; TGPL thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ gấp, tài liệu pháp luật; phát triển, nhân rộng những phương thức, hình thức TGPL có hiệu quả, thiết thực.

Thứ hai, nâng cao tính chủ động của đối tượng được TGPL: có thể nói, trong thời gian qua, hiệu quả của công tác TGPL chủ yếu xuất phát từ các hoạt động của các chủ thể thực hiện TGPL mà điển hình là Trung tâm TGPL. Các đối tượng được TGPL là chủ thể thụ hưởng nhưng lại ít khi đến chủ động tìm đến Trung tâm TGPL để yêu cầu giúp đỡ. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thuộc đối tượng được TGPL chủ động thực hiện quyền yêu cầu được trợ giúp của mình. Có như thế, công tác TGPL mới thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân, chứng tỏ người dân ngày càng biết đến hoạt động này cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL của các chủ thể thực hiện TGPL ngày càng cao.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về TGPL: công tác quản lý của Nhà nước về TGPL là một nội dung quan trọng của thực hiện pháp luật về TGPL cũng như bảo đảm pháp luật về TGPL được tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội. Để công tác quản lý của Nhà nước về TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phát huy hiệu quả cần đổi mới cơ chế quản lý TGPL hiện nay cần tập trung vào các giải pháp sau: tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp  đối với công tác TGPL ở địa phương, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý công tác TGPL. Nâng cao nhận thức của cán bộ, chính quyền địa phương về vai trò của cơ quan tư pháp trong quản lý lĩnh vực TGPL ở địa phương. Sở Tư pháp cần chỉ đạo Trung tâm TGPL trong nhiệm vụ quản lý thực hiện TGPL chủ yếu mang tính áp dụng thực tiễn tại địa phương, phục vụ trực tiếp mục tiêu cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ TGPL của địa phương. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng các định hướng thực hiện pháp luật về TGPL có trọng điểm, bảo đảm sự hài hoà việc thực hiện pháp luật về TGPL ở các vùng, miền, các lĩnh vực và các đối tượng thụ hưởng TGPL; phát triển nguồn nhân lực TGPL, xây dựng cơ sở hạ tầng của các tổ chức TGPL nhà nước; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển và tham gia hoạt động TGPL. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực thanh tra, giám sát hoạt động TGPL; nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát chất lượng dịch vụ TGPL của người dân; thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định của pháp luật; khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong hoạt động TGPL.

Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ TGPL: hiệu quả hoạt động TGPL phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phẩm chất đạo đức, lòng nhiệt thành và trách nhiệm của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là Cộng tác viên, Thẩm phán, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Do vậy, việc xây dựng đội ngũ thực hiện TGPL giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tận tuỵ với nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho sự bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật về TGPL. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả Luật TGPL, Trung tâm TGPL cần tiếp tục phát triển và kiện toàn đội ngũ thực hiện TGPL. 

Thứ năm, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động TGPL: trên cơ sở quy định của Luật TGPL, cấp uỷ và chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư kinh phí, bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để hoạt động thực hiện TGPL được tiến hành thường xuyên và đạt hiệu quả. Tập trung vào các vấn đề sau: cần thiết phải đầu tư bảo đảm trụ sở, trang thiết bị, máy móc làm việc cho các tổ chức TGPL; cần cải tiến chế độ tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ TGPL, công nhận Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị công lập để khẳng định đây là hoạt động công vụ hành chính, chính trị cần thiết, khẳng định đội ngũ cán bộ của Trung tâm là cán bộ công chức để tránh nhập nhằng công tư khi thực hiện TGPL cho đối tượng; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển thực hiện TGPL, sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho TGPL; cần tập trung đầu tư kinh phí cho các địa bàn, lĩnh vực TGPL trọng điểm; thực hiện đầu tư đồng bộ giữa xây dựng cơ sở vật chất với đào tạo cán bộ TGPL chuyên sâu./.

Quỳnh Ly- Minh Tâm

 


Tin mới:
Các tin khác: