Nâng cao chất lượng thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam |
Thứ sáu, 07 Tháng 6 2013 15:04 - 1870 Lượt xem |
|
|
Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh, nhất là các nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) đã dần dần đi vào nề nếp, góp phần xây dựng và phát triển về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết sau khi ban hành chưa kịp thời, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho thấy, một số nghị quyết mặc dù nội dung đã được quy định rất cụ thể, chi tiết nhưng UBND cùng cấp vẫn ban hành quyết định của mình để triển khai thực hiện. Vấn đề đáng nói là ở chỗ, nội dung quyết định của UBND gần như nguyên văn nội dung nghị quyết của HĐND, có cần thiết phải như vậy không?. Về vấn đề này, tại khoản 2, Điều 5, Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 quy định rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”. Đồng thời, tại điểm b, khoản 3, Điều 3, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL cũng quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác…”. Như vậy, việc UBND ban hành quyết định, trong đó quy định lại các nội dung NQ của HĐND là không đúng với quy định của hai văn bản trên. Mặt khác, theo Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 thì văn bản QPPL của HĐND và UBND đều có hiệu lực sau 10 ngày (đối với cấp tỉnh), 07 ngày (đối với cấp huyện), 5 ngày (đối với cấp xã) kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành, trừ trường hợp ngay trong NQ, quyết định, chỉ thị có quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. Như vậy, nếu NQ của HĐND đã được ban hành, UBND tiếp tục ban hành quyết định nữa để triển khai thực hiện NQ của HĐND, như vậy vô hình chung UBND kéo dài thêm thời điểm có hiệu lực NQ của HĐND, điều này là không đúng quy định của pháp luật và làm giảm hiệu lực NQ của HĐND. Do đó, khi nội dung NQ của HĐND đã cụ thể, chi tiết thì UBND chỉ cần tổ chức cuộc họp để triển khai thực hiện. Quyết định của UBND không phải là việc quy định lại các nội dung mà NQ của HĐND đã nêu mà là đưa ra kế hoạch, các giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp, nếu nội dung NQ của HĐND chưa được cụ thể và chi tiết, khó triển khai, áp dụng trong thực tế thì UBND mới ban hành văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện. Việc cụ thể hóa hoặc hướng dẫn phải phù hợp với các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và NQ của HĐND cùng cấp. Qua một số trao đổi trên đây, thiết nghĩ các cơ quan được phân công triển khai thực hiện NQ của HĐND cần rút kinh nghiệm. Các NQ của HĐND cần quy định cụ thể, chi tiết để UBND có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi ban hành, trừ một số nội dung mà NQ của HĐND khó cụ thể hóa hoặc nếu quy định vào NQ sẽ không phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều địa phương hoặc sớm bị “lạc hậu” thì giao UBND hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trong trường hợp các NQ của HĐND đã được quy định cụ thể, chi tiết thì UBND chỉ việc tổ chức thực hiện, không nên quy định lại các nội dung mà NQ đã quy định cụ thể. Nguyễn Đình Trọng Tin mới:
Các tin khác:
|