Mang thai hộ: Nên cấm hay không ? |
Thứ năm, 25 Tháng 4 2013 09:58 - 1455 Lượt xem |
|
|
Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật hôn nhân gia đình năm 2000 đang được chuẩn bị để trình Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó, chuyện có cho phép hay không việc mang thai hộ đang được xem xét, nghiên cứu. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm rất nhiều trong thời gian qua. Mang thai hộ là trường hợp trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha được thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó đem đặt vào tử cung của một người phụ nữ khác để mang thai hộ. “Mang thai hộ” khác với “sinh con theo phương pháp khoa học” ở chổ sinh con theo phương pháp khoa học là việc sinh con được thực hiện bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó “cấy” trở lại chính người vợ hoặc người phụ nữ đơn thân muốn có con nhưng không thụ tinh tự nhiên được. Ở Việt Nam ngày càng có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vì nhiều nguyên do khác nhau và họ luôn khao khát có được đứa con do chính họ sinh ra hoặc mang dòng máu của họ. Tuy Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không có quy định về vấn đề mang thai hộ nhưng Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã cấm mang thai hộ và Nghị định số 45/2005/NĐ-CP cũng đã quy định về chế tài xử phạt vi phạm từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi "mang thai hộ”. Sự cấm đoàn này đã làm cho một số người phải ra nước ngoài nhờ dịch vụ đẻ thuê để có con; hoặc trong nước vẫn âm thầm tồn tại nghề “đẻ thuê”, dẫn đến những tranh chấp pháp lý không có hướng giải quyết. Về mặt đạo lý, tình mẫu tử là rất thiêng liêng, mặc dù là mang thai hộ nhưng người mang thai cũng phải trải qua “9 tháng, 10 ngày” mởi sinh nở được, do đó sợi dây tình cảm giữa đứa trẻ với người mẹ không thể tự nhiên dứt bỏ. Việc sinh “con” ra rồi sau đó phải đem “con” trả cho người khác, tình “mẫu tử” bị chia cắt là điều không phải ai cũng dễ dàng chịu đựng được. Về mặt xã hội, việc mang thai hộ đã và đang âm thầm tồn tại trong thực tế. Ngoài những trường hợp vì mục đích thương mại thì cũng có những trường hợp mang thai hộ hoàn toàn mang tính chất nhân đạo. Nhìn nhận từ một khía cạnh khác, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, việc khát khao có con mang huyết thống của những cặp vợ chồng hiếm muộn là điều hoàn toàn chính đáng. Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa cho phép việc mang thai hộ nên trong thực tế có những trường hợp tranh chấp con nhưng chưa có hướng giải quyết, như: người nhờ mang thai đã nhận con, nhưng không thanh toán đủ tiền cho người mang thai hộ; người mang thai hộ sau khi sinh con thì muốn giữ lại để nuôi; căn cứ pháp lý nào để xác định đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ là con của “người đẻ” hay con của người mẹ “nhờ đẻ”? ... Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình nên sửa đổi theo hướng cho phép “mang thai hộ”, với những lý do sau: - Mang thai hộ là sự chăm sóc đặc biệt bằng chính cơ thể của người phụ nữ đối với đứa trẻ, qua đó cung cấp chất dinh dưỡng nuôi đứa trẻ trong thời gian chưa được sinh ra. Nếu chúng ta chấp nhận việc nuôi trẻ bằng sữa của người phụ nữ khác khi người mẹ của đứa trẻ không có khả năng nuôi con bằng sữa của chính mình thì chúng ta cũng nên chấp nhận việc mang thai hộ. - Việc khát khao có đứa con mang dòng máu của mình đối với người không có khả năng mang thai là điều hoàn toàn chính đáng, cần phải được pháp luật cho phép và bảo vệ. - Thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp mang thai hộ vì tính chất nhân đạo. - Luật hóa việc mang thai hộ sẽ tạo khung pháp lý an tòan giúp giải quyết các tranh chấp phát sinh xung quanh vấn đề mang thai hộ. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ nhằm mục đích nhân đạo, tránh “thương mại hóa” vấn đề này, biến nó trở thành một nghề kiếm sống, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đồng thời pháp luật cũng cần có những quy định giúp giải quyết được những tranh chấp có thể xảy ra. Theo đó, tôi đề nghị pháp luật nên cho phép mang thai hộ với những quy định cụ thể là: phụ nữ trong độ từ 22 tuổi đến 30 tuổi, đã qua một hoặc hai lần sinh con; có sức khỏe tốt; nếu đang có chồng thì người chồng phải có văn bản cam kết đồng ý cho vợ được mang thai hộ; quy định số lần tối đa mang thai hộ để bảo vệ sức khỏe và không biến “mang thai hộ” thành một nghề kiếm sống. Về điều kiện của người nhờ mang thai: chỉ có thể yêu cầu người khác mang thai hộ trong trường hợp không có khả năng mang thai và phải có kết luận chính thức của cơ quan y tế; phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ chồng về việc mang thai hộ. Việc mang thai hộ chỉ được thực hiện thông qua các bệnh viện phụ sản có khả năng chuyên môn kỹ thuật về sức khỏe sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm. Đối với trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ cần phải có một mẫu giấy khai sinh riêng trong đó phải ghi rõ họ tên người mang thai hộ nhằm loại trừ khả năng xảy ra vấn đề kết hôn giữa hai người do cùng một người phụ nữ mang thai hộ sinh ra./. Trần Thị Kim Phượng Tin mới:
Các tin khác:
|