Sở Tư pháp chuẩn bị tổ chức Tọa đàm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
 Thứ ba, 29 Tháng 5 2012 10:18 - 1319 Lượt xem
In

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thực chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 409/QD-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 24/5/2012 vừa qua, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-PBGDPL để tổ chức cuộc Tọa đàm về nội dung trên.

Theo Kế hoạch, cuộc Tọa đàm được dự kiến tổ chức trong 01 ngày, vào giữa tháng 6/2012 với thành phần được mời tham gia, gồm đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh; Trưởng phòng Tư pháp của 18 huyện, thành phố; Trưởng phòng, Giám đốc Trung tâm có liên quan thuộc Sở Tư pháp.

Những nội dung trọng tâm được đưa ra Tọa đàm, gồm:

1. Đánh giá khái quát tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian từ năm 2005 đến nay;

2. Đánh giá thực chất kết quả thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua ở mỗi cấp tỉnh, huyện và xã;

3. Đánh giá tính hiệu quả của các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay đang sử dụng (hiệu quả về mặt tuyên truyền phải đi đôi với hiệu quả về mặt kinh tế, đồng thời có tính ổn định lâu dài).

4. Vấn đề cấp kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) hiện nay như thế nào? Xét trên các phương diện: a) Tính đảm bảo theo yêu cầu khách quan của địa phương, đơn vị; b) Tính cân đối, hợp lý trong việc cấp phát cho cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp với việc cấp phát cho các cơ quan thực hiện đề án (đánh giá trên cơ sở khối lượng công việc thực hiện và tính hiệu quả của hoạt động tuyên truyền); và c) Đề xuất giải pháp phân bổ, bố trí và quản lý sử dụng kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến ở mỗi cấp (tỉnh, huyện, xã) nên như thế nào.

5. Vấn đề xây dựng mô hình tổ chức quản lý, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh hiện nay (nhất là ở cấp tỉnh) đang có sự tản mạn về nhiệm vụ công việc được phân công, về phân bổ kinh phí thực hiện... dẫn việc cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp không thể theo dõi đánh giá được kết quả, chất lượng thực hiện cũng như hiệu quả của việc đầu tư ngân sách nhà nước cho các đề án. Trong khi đó việc tham mưu của Sở Tài chính cũng có sự nhầm lẫn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí cho chương trình mục tiêu khác nhưng lại ghi là cấp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Vấn đề cần đặt ra trong lúc này là làm thể nào để có được một mô hình tổ chức quản lý thống nhất về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp tỉnh để có thể sử dụng được nguồn lực (tài chính và nhân lực) một cách tập trung, có hiệu quả và bảo đảm được tính phối hợp cao; hướng mạnh công tác này về cơ sở.

6. Những vấn đề khác có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Theo nội dung các chủ đề chính trên đây, Ban biên tập Website của Hội đồng phối hợp tỉnh rất mong anh chị em cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp của tỉnh và những người có tâm huyết với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật viết bài tham luận để góp phần làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh ta ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.

Những bài viết có gía trị sẽ được Ban biên tập đề nghị sử dụng làm tài liệu tham khảo cho cuộc Tọa đàm và sẽ lần lượt cho đăng tải trên Website này./.

Ban Biên Tập



Tin mới:
Các tin khác: