Nhìn lại 7 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ năm, 24 Tháng 5 2012 07:32 - 1386 Lượt xem
In

Công tác ban hành văn bản QPPL  của HĐND, UBND  các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Nhiều văn bản sau khi được ban hành đã kịp thời giải quyết, điều chỉnh các quan hệ, hành vi pháp lý nảy sinh trong xã hội, nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể chế hóa những chủ trương, chính sách, biện pháp lớn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; đảm bảo thi hành Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm tục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.  

Để triển khai thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản tổ chức thực hiện như: Quyết định số 54/2005/QĐ-UB ngày 27/7/2005 quy định tạm thời về cấp phát, quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 01/8/2007 về ban hành quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 21/2008/CT-UBND ngày 30/6/2008 về tăng cường công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 11/02/2010 quy định về mức chi cho công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh, và gần đây nhất UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2012/QĐ – UBND ngày 18/01/2012 về ban hành quy trình xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 19/2007/QĐ – UBND). Tuy Quyết định số 02/2012/QĐ – UBND mới được tổ chức thực hiện qua hơn hai tháng nhưng bước đầu đã phát huy tác dụng, khắc phục được một số hạn chế phát sinh trong công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời với việc xây dựng thể chế, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác tham mưu thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, bổ sung biên chế cho Sở Tư pháp đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đối với các sở, ban, ngành, tuy đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế vẫn còn kiêm nhiệm, nhưng hàng năm được tập huấn nghiệp vụ soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND. Tại các huyện, thành phố được bố trí đủ cán bộ thực hiện công tác tư pháp (các huyện miền núi được bố trí ít nhất là 4 biên chế, các huyện Đồng bằng là 6 biên chế).         

Tính đến ngày 31/12/2011, HĐND tỉnh đã ban hành được 109 nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành 380 quyết định và 45 chỉ thị; 18 huyện, thành phố HĐND đã ban hành 951 nghị quyết và UBND đã ban hành 631 quyết định và 209 chỉ thị. Đa số các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp ban hành ban hành trong 07 năm qua cơ bản đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản QPPL đảm bảo có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan; việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản đảm bảo được tính dân chủ, công khai, minh bạch và khả thi trong hoạt động ban hành văn bản QPPL. Các cơ quan chủ trì soạn thảo có nhiều tiến bộ trong việc chọn lọc, tiếp thu những ý kiến đóng góp để xây dựng văn bản QPPL ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Các dự thảo văn bản QPPL của UBND được gửi đến cơ quan Tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình UBND xem xét thông qua; hồ sơ dự thảo được gửi đến các thành viên UBND trước ngày UBND họp theo đúng quy định của Luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa đạt được như trên, công tác xây dựng, ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn có những khó khăn, hạn chế sau:

- Vẫn còn một số cán bộ, công chức ở một số ngành và địa phương chưa phân biệt rõ văn bản áp dụng pháp luật (văn bản cá biệt) với văn bản QPPL, dẫn đến việc một số văn bản có chứa QPPL nhưng lại được ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt hoặc ngược lại.

- Việc soạn thảo, ban hành văn bản chưa tuân theo trình tự, thủ tục luật định, cụ thể: chưa tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản; cơ quan chủ trì soạn thảo không thành lập Tổ soạn thảo; cơ quan thẩm định chưa huy động được trí tuệ tập thể, chuyên gia tham gia thẩm định, phản biện; cơ quan chủ trì soạn thảo không xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định, thời gian yêu cầu thẩm định qua ít, hồ sơ yêu cầu thẩm định không đầy đủ....

- Việc lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL chưa được quan tâm đúng mức; cơ quan được lấy ý kiến chưa thật sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, do đó có một số văn bản ngay sau khi ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.  

- Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc gửi văn bản đến cơ quan Tư pháp để thẩm định (nhất là dự thảo Nghị quyết của HĐND do UBND trình) trước khi trình UBND cùng cấp ban hành hoặc trình HĐND cùng cấp theo quy định của Luật.

- Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

- Trình tự thông qua văn bản QPPL của UBND các cấp chưa đảm bảo theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND, UBND và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004.

- Đội ngũ công chức được giao chấp bút dự thảo văn bản QPPL ở các cấp, các ngành chưa qua đào tạo nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh chưa bố trí công chức pháp chế chuyên trách

Để nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, xin có máy kiến nghị:

- UBND tỉnh nên kiên quyết không ban hành các văn bản QPPL khi chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp và chưa đảm bảo trình tự, thủ tục Luật định. Tiếp tục quán triệt tầm quan trọng của công tác văn bản đến cán bộ chủ chốt và yêu cầu phải quan tâm đúng mức công tác này, tạo điều kiện cho cnas bộ công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành Tư pháp tổ chức.

- Sớm thành lập Tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các sở, ban, ngành để thực hiện công tác văn bản; hàng năm mở lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu công tác này cho cán bộ cấp cơ sở để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Đối với các văn bản QPPL có tính phức tạp thì cần lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động và có sự tham gia phản biện của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

- Đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cấp xã, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản QPPL điện tử để thuận lợi cho việc tra cứu thông tin./.

Kim Cúc

 


Tin mới:
Các tin khác: