Vài nét về công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ ba, 11 Tháng 1 2022 09:05 - 184 Lượt xem
In

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006 quy định: "TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật"; hiện nay, theo quy định tại Luật TGPL năm 2017 thì"Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật". Như vậy, nội hàm của công tác TGPL hiện nay có một nội dung duy nhất, mang tính đột phá đó là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, mà trọng tâm là tham gia tố tụng (nhất là tố tụng hình sự, dân sự, hành chính) và tư vấn pháp luật cho đối tượng TGPL.
Luật TGPL năm 2017 quy định đối tượng các đặc thù trong hoạt động TGPL gồm: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính (người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, người chưa thành niên...). Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục TGPL - Bộ Tư pháp, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Kết quả đạt được
Xác định tham gia tố tụng là một công việc khó và mới đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hiện nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức củng cố bộ máy, kiện toàn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, nâng cao chất lượng vụ việc TGPL. Đến nay, Trung tâm TGPL có 15 trợ giúp viên pháp lý đang hoạt động tại Trung tâm TGPL và Chi nhánh TGPL tại các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc, Bắc Trà My, Đông Giang. Trong những năm qua, Trung tâm TGPL tổ chức các đợt truyền thông, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm đối tượng; các trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng tại TAND các cấp, đảm bảo chỉ tiêu vụ việc mà Bộ Tư pháp giao hàng năm, góp phần đưa công tác TGPL dần đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng 100% yêu cầu của đối tượng được TGPL. Thể hiện ở các giai đoạn như sau:
- Trước năm 2016, thực hiện Luật TGPL năm 2006, các Trung tâm TGPL trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đều tập trung vào công tác TGPL lưu động, tư vấn pháp luật, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL,... nên quên mất chức năng chính đó là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, dẫn đến một thời gian dài là số lượng vụ việc tham gia tố tụng ít, chất lượng hạn chế, chủ yếu dựa vào lực lượng luật sư là cộng tác viên TGPL. Cụ thể đối với tỉnh Quảng Nam, mỗi năm Trung tâm TGPL tham gia tố tụng từ 50 - 70 vụ việc, trong đó lực lượng trợ giúp viên pháp lý chỉ tham gia 10% trong tổng số vụ việc, còn lại do luật sư là cộng tác viên TGPL thực hiện.
- Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, số vụ việc tham gia tố tụng tăng theo từng năm. Năm 2016, tăng 400% so với năm 2015; năm 2017, tăng 130% so với năm 2016; năm 2018, tăng 150% so với năm 2017; năm 2019, tăng 8% so với năm 2018; năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số vụ việc tham gia tố tụng giảm 7,6% so với năm 2019, nhưng vẫn đáp ứng 100% yêu cầu của đối tượng TGPL; năm 2021 tăng 22,4% so với năm 2020.
Đặc biệt, trong năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tham gia tố tụng tại phiên tòa, song đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã chủ động, linh hoạt để tham gia tố tụng tại các địa phương, số vụ việc tham gia tố tụng tại phiên tòa đạt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Kết quả, Trung tâm đã cử 245 lượt trợ giúp viên pháp lý (đạt tỷ lệ 91,4%), 23 lượt luật sư thực hiện TGPL (đạt tỷ lệ 8,6%) tham gia tố tụng cho 268 đối tượng được TGPL (hộ nghèo: 12; trẻ em: 39, người dân tộc thiểu số: 76, người dưới 18 tuổi: 77, người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 15, người có công cách mạng: 17, người khuyết tật có khó khăn tài chính: 28, hộ cận nghèo: 04), với 268 vụ việc (hình sự: 203, dân sự và hôn nhân gia đình: 49, hành chính: 07, lĩnh vực pháp luật khác: 09); ở các giai đoạn điều tra (147 vụ việc), truy tố (05 vụ việc), xét xử (116 vụ việc). Qua đó cho thấy, số vụ việc tham gia tố tụng trước đây của đội ngũ TGVPL chỉ thực hiện 10%, hiện nay đã thực hiện đến 90% trên tổng số vụ việc tham gia tố tụng với tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính; chất lượng vụ việc tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, được các đối tượng TGPL hài lòng và các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Luật sư, UBND cấp huyện tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến chế độ chính sách của đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số...
Với những kết quả đã nêu, Trung tâm TGPL nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" và tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2015-2020; được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Tổ chức TGPL Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.
Khó khăn, hạn chế và giải pháp khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng tại TAND các cấp còn ít, còn bỏ lọt đối tượng được TGPL; chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý không đồng đều, nhiều trợ giúp viên pháp lý tuổi nghề quá ít, chưa có kinh nghiệm thực tiễn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL và Chi nhánh TGPL còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn chưa kịp thời, một số đối tượng được TGPL còn tâm lý e ngại, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, ...
Để công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến hoạt động có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo các đối tượng được TGPL tiếp cận và hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, nhất là hiện nay, TGPL được xác định là dịch vụ công thiết yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên theo Danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp (theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ); cần tập trung vào những giải pháp sau:
1. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL và các Chi nhánh TGPL để đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu TGPL của đối tượng.
2. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác TGPL trong giai đoạn hiện nay, nhất là bố trí các phòng làm việc để tư vấn cho đối tượng đặc thù là trẻ em, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình; xây dựng cơ sở hạ tầng để tổ chức điểm cầu trực tuyến tại Trung tâm TGPL theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLTTANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định phiên tòa trực tuyến vào đầu năm 2022.
3. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện cần tăng cường công tác phối hợp, nhất là thông tin về đối tượng TGPL, hạn chế việc bỏ lọt đối tượng được TGPL; tạo điều kiện cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được tiếp cận hồ sơ, khám nghiệm hiện trường, gặp bị can,...
4. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến trẻ em, bạo lực gia đình, người khuyết tật, dân tộc miền núi, ... để Trung tâm TGPL kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng.
5. Đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã quan tâm hơn nữa trong công tác phối hợp thông tin, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu cho các công dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp Nhà nước tỉnh để được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhằm tránh bỏ lọt đối tượng TGPL khi họ yêu cầu.
Hy vọng những kết quả đạt được của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Nam trong những năm qua là hết sức quan trọng và sẽ là tiền đề để Trung tâm có điều kiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: