Huyện miền núi Bắc Trà My với địa hình rộng và phức tạp với trên 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Trong những năm qua, huyện đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, nhiều công trình phục vụ dân sinh được triển khai thực hiện từ các chương trình, dự án. Hiện nay, 13/13 xã, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống giao thông nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định như mặt bằng dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc; môi trường sinh hoạt, giao lưu văn hóa, xã hội vẫn còn gò bó trong khuôn khổ làng, bản; việc kết hôn và sinh đẻ vẫn còn thực hiện theo các hủ tục của đồng bào...Các yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ, làm cho tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện không giảm trong thời gian qua. Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, tính đến cuối năm 2014, toàn huyện có 53 trường hợp kết hôn và sinh con trước 17 tuổi. Các địa phương có tỷ lệ kết hôn và sinh con trước 17 tuổi cao như xã Trà Bui 16 trường hợp, Trà Giáp 12 trường hợp, Trà Tân 7 trường hợp...Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số kết hôn sớm có tỷ lệ cao: 48/53 trường hợp, chiếm tỷ lệ 90,56%. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 28 cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống, trong đó, xã Trà Giác 01 trường hợp, thị Trấn 01 trường hợp, Trà Nú 02 trường hợp, Trà Giáp 06 trường hợp, Trà Đốc 08 trường hợp và cao nhất Trà Bui 10 trường hợp.
Trước thực trạng trên, ngày 23/5/2017, UBND huyện đã ký ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020" trên địa bàn huyện và giao cho Phòng Dân tộc huyện chủ trì triển khai thực hiện. Phòng dân tộc đã phối hợp với UBMTTQVN, Phòng Tư pháp tổ chức tuyên truyền nội dung, kế hoạch của đề án đồng thời, thực hiện tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 02 xã vùng cao của huyện là Trà Giác và Trà Ka. Tại đây, có hơn 200 lượt đồng bào tham gia và cấp được 200 tờ rơi. Hiện nay, Phòng Dân tộc tiếp tục xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung của Đề án lồng ghép với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện. Với quyết tâm, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện, từ tuyên truyền vận động qua đó thay đổi hành vi của người dân tại các xã của địa phương. Đề án cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức truyền thông bằng các hình thức lồng ghép, sân khấu hóa cho các đối tượng thanh niên và vị thành niên đang học tập tại 2 trường Trung học phổ thông Bắc Trà My và trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú Nước Oa của huyện. Đồng thời, huyện còn xây dựng mô hình điểm tại xã Trà Bui, từ đó nhân rộng mô hình tại các xã vùng đồng bào, vùng sâu, vùng xa của huyện. Để giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Trà My là việc làm cần thiết đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong đó, vai trò tuyên truyền của già làng, trưởng bản, người có uy tín và những người làm công tác dân tộc trong đồng bào các dân tộc thiểu số là yếu tố hạt nhân đưa mục tiêu, nội dung của Đề án đến với đồng bào, nhân dân trên địa bàn huyện. Cái đói, cái nghèo đang từng bước được đẩy lùi và đời sống tinh thần đang từng ngày nở hoa trên vùng đất được mệnh danh là "Cao sơn ngọc quế "./.
Mai Đức PTP Dân tộc |