Trình tự thực hiện: - Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận của Sở Tư pháp tại Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. - Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ; nếu thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu. - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam. - Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam. - Trong thời hạn 02 ngày làm việc Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ vàtrình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. - Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. - Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định. - Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định. - Thông báo kết quả giải quyết + Sau khi có Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước gửi đăng Công báo, Bộ Tư pháp đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và trong thời hạn 10 ngày, Bộ Tư pháp gửi cho người được trở lại quốc tịch Việt Nam bản sao Quyết định kèm theo bản trích sao danh sách những người được trở lại quốc tịch và gửi 01 bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, quản lý, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch. Trường hợp người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà trước đó đã ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc thôi quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây của người được trở lại quốc tịch Việt Nam (nếu đăng ký khai sinh trong nước), hoặc nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh của chế độ cũ để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh. Nội dung ghi chú bao gồm: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định. Cán bộ ghi chú phải ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm thực hiện ghi chú. Trường hợp trước đây đương sự đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thì sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh. + Trường hợp Bộ Tư pháp thấy không đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam hoặc không được Chủ tịch nước đồng ý cho trở lại quốc tịch Việt Nam, thì thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo cho người nộp hồ sơ biết. Cách thức thực hiện: Công dân nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận của Sở Tư pháp tại Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ được Bộ Tư pháp gửi đến cho người yêu cầu theo địa chỉ có trong hồ sơ. Thành phần hồ sơ: - Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam (theo mẫu TP/QT-2010- ĐXTLQT). - Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế. - Bản khai lý lịch (theo mẫu TP/QT-2010-TKLL). - Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ. - Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam (là một trong các giấy tờ sau: bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó). - Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam (là một trong các giấy tờ sau:Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân; người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con; người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc UBND cấp tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực: khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao hoặc giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam hoặc bản sao giấy tờ chứng nhận việc đầu tư tại Việt Nam). - Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của con. Số lượng hồ sơ: 03 bộ. Thời hạn giải quyết: 79 ngày (thời gian thực tế giải quyết hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền), trong đó: - Cấp tỉnh: 29 ngày - Trung ương: 50 ngày Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: - Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch nước. - Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp - Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định của Chủ tịch nước về việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam. Lệ phí: 2.500.000 đồng/ trường hợp * Các trường hợp được miễn lệ phí: + Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó. + Người mất quốc tịch xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú. 5.12 Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: - Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo mẫu TP/QT-2010- ĐXTLQT (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch). - Bản khai lý lịch theo mẫu TP/QT-2010-TKLL (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch). Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: - Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: + Xin hồi hương về Việt Nam. + Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻlà công dân Việt Nam. + Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. + Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. + Thực hiện đầu tư tại Việt Nam. + Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. - Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. - Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam. - Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam. - Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép: + Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam. + Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. + Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: - Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. - Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. - Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. - Thông tư số 08/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch. - Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an về hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ. - Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch. - Quyết định số 3412/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, Ban, ngành thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. |