Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một số nội dung đáng chú ý tại nghị định này: Một là, bổ sung quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính: Thẩm quyền, thủ tục và biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xem xét, xử lý hành vi vi phạm. Hai là, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã bị xử phạt hoặc chưa bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều với mức độ vi phạm hoặc hậu quả gắn với mức phạt khác nhau, thì được coi là vi phạm cùng một hành vi để xác định tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần. Nếu vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1a Điều này thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất, khung thời hạn đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề dài nhất quy định đối với hành vi đó trong các lần vi phạm. Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng hình thức phạt tiền 1. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: a) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó; b) Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; c) Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt; d) Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ; đ) Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó. 2. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần và bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, thì không áp dụng tình tiết vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng khi xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng lần vi phạm đó. Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ, thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: 1. Căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính: a) Đối với hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý hoặc trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện hoặc trường hợp cần thiết khác thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có trách nhiệm lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc; b) Biên bản làm việc quy định tại điểm a khoản này hoặc các biên bản, tài liệu ghi nhận vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hoặc tiến hành tố tụng là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính; c) Trường hợp người đang xem xét, xử lý vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản, tài liệu quy định tại điểm b khoản này và hồ sơ kèm theo (nếu có) phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. 2. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: a) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính; b) Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính; c) Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm; d) Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm. Nghị định 68/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/5/2025.
Nhật Mai |