Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025
 Thứ sáu, 12 Tháng 8 2022 09:08 - 478 Lượt xem
In

Ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời, là khu vực sản xuất có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động nữ...; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi miền quê, hồn quê, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch. Mặc dù, có đóng góp to lớn về giá trị văn hóa, kinh tế - xã hội, nhưng việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập cụ thể như: Một số ngành nghề, làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi cùng với các kỹ năng và bí quyết nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, thất truyền; diện tích một số vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề đang có xu hướng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác; các xưởng sản xuất thường xen kẽ với khu dân cư, công nghệ và thiết bị sản xuất còn lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường còn hạn chế... Nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.

Dự thảo nghị quyết bao gồm các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, các hoạt động ngành nghề nông thôn được hỗ trợ bao gồm:
1. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
2. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
3. Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
4. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
5. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
6. Sản xuất muối.
7. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Thứ hai, điều kiện hỗ trợ
+ Có tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn được hỗ trợ
+ Có kế hoạch đề nghị hỗ trợ được UBND cấp huyện phê duyệt.
+ Cam kết chưa nhận được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung hỗ trợ.
+ Chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, về mức hỗ trợ:
1.Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn
- Hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư đến các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; cụm làng nghề hoặc đến địa điểm quy hoạch, bao gồm các chi phí: Tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị, nhà xưởng. Mức hỗ trợ tối đa 50 % chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.
- Hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở ngành nghề nông thôn: Mức hỗ trợ tối đa 50 % chi phí nhưng không quá 240 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.
- Hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu; đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ: Mức hỗ trợ tối đa 50 % lãi suất cho các khoản vay trong 02 năm đầu nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với các khoản vay trung hạn và dài hạn bằng đồng Việt Nam trả nợ trước hoặc trong hạn, không áp dụng đối với các khoản vay đã quá thời hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Với mức lãi suất cho vay thấp trong khung lãi suất áp dụng cho các khoản vốn đầu tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ của Ngân hàng phát triển Việt Nam.
- Hỗ trợ đào tạo nhân lực
+ Người làm nghề truyền thống, người làm nghề tại làng nghề, làng nghề truyền thống và làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
+ Các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề được hỗ trợ chi phí lớp học. Mức hỗ trợ 100 % định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề: Mức hỗ trợ 100 % mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 năm, kể từ ngày thụ hưởng chính sách.
2. Hỗ trợ phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Hỗ trợ tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận, xây dựng cổng chào hoặc biển quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quyết định công nhận hoặc ủy quyền công nhận. Nghề truyền thống: Mức hỗ trợ 45 triệu đồng/nghề. Làng nghề: Mức hỗ trợ 75 triệu đồng/làng nghề. Làng nghề truyền thống: Mức hỗ trợ 90 triệu đồng/làng nghề. Hỗ trợ kinh phí trực tiếp tại Quyết định công nhận.
Toàn văn dự thảo Nghị Quyết đang được đăng tải trên trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam (pbgdpl.quangnam.gov.vn), tại mục lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL để công dân và các tổ chức có thể truy cập vào địa chỉ này tham gia ý kiến. Rất mong nhận được sự tham gia góp ý của các cơ quan, tổ chức và công dân./.

Kim Oanh


Tin mới:
Các tin khác: