Cần loại bỏ những bất cập không đáng có trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp
 Thứ hai, 23 Tháng 12 2019 14:25 - 4786 Lượt xem
In

Sau khi Luật lý lịch tư pháp được ban hành năm 2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010; Phiếu lý lịch tư pháp (số 1 hoặc số 2) đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong rất nhiều loại hồ sơ cá nhân, dùng cho nhiều mục đích khác nhau, như: hồ sơ xin việc, đăng ký kinh doanh, đăng ký hành nghề, xin công nhận tổ chức .v.v... Mục đích của việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp là nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhân sự, theo đó cần chứng minh cá nhân: (i) có hay không có án tích; (ii) có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Luật lý lịch tư pháp cũng quy định 02 cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân (kể cả người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam), gồm: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (thuộc Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp các địa phương. Để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp các địa phương phải tra cứu vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do chính mình quản lý hoặc thông tin về lý lịch tư pháp do các cơ quan chức năng liên quan cung cấp.
Thực tế cho thấy có một bất cập rất lớn về mặt cơ chế trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân trong thời gian qua. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Luật định là không quá 10 ngày đối với các trường hợp thông thường; và không quá 15 ngày đối với các trường hợp đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, ... Tuy vậy, đã có rất nhiều trường hợp công dân buộc phải chờ khá lâu, vượt quá thời gian quy định và nhiều trường hợp Sở Tư pháp phải có thư xin lỗi công dân do bị trễ hẹn. Nhiều trường hợp vì lý do bị trễ hẹn của cơ quan công quyền khiến người dân phải chịu thiệt thòi, như bị mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm là thường thấy nhất.
Vậy bất cập này ở đâu?
lltpCăn cứ theo Điều 11 của Luật lý lịch tư pháp thì: "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin về án tích, tình trạng thi hành án; về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật này". Như vậy, có thể nói "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp" do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp các địa phương quản lý chỉ có thể chứa đựng thông tin về người có án hình sự hoặc người có liên quan trong vụ án kinh tế theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.
Và như vậy, cũng có thể khẳng định rằng đại bộ phận các trường hợp có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều không có tên trong "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp", vì đại bộ phận công dân là không có án hình sự và càng ít ít hơn nữa các trường hợp có liên quan đến quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án! Tuy nhiên, đối với những trường hợp không có tên trong "Cơ sở dự liệu lý lịch tư pháp" mà công dân có yêu cầu thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy trình tiếp nhận, tra cứu... rồi mới cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, với nội dung xác nhận là "không có án tích".
Điều rất hiển nhiên là đại bộ phận người trong xã hội là "không có án tích" mà cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể biết chính xác họ "không có án tích" thông qua một số nghiệp vụ kiểm chứng thông thường mà không phải lục tìm ở nơi không thể nào có được đó là "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp"!
Những trường hợp có thể kiểm chứng ngay để biết "không có án tích", như:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong hệ thống chính trị hoặc mới vừa nghỉ hưu;
- Học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học vừa mới ra trường;
- Các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo ...
Đối với những đối tượng trên, chỉ cần thông qua Thủ trưởng cơ quan nơi họ đang làm việc hoặc Công an cấp xã là có thể biết ngay họ có án tích hay "không có án tích". Trong những trường hợp như vậy, Sở Tư pháp các địa phương chỉ cần yêu cầu họ cung cấp giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan nơi họ đang (hoặc đã làm việc trước đó) hoặc xác nhận Công an cấp xã là có thể cấp ngay Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho họ mà không cần phải truy lục vào "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp", chỉ mất thời gian mà không có kết quả.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp công chức, viên chức, học sinh, sinh viên mới ra trường... phải chờ được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 đến hơn nửa tháng vẫn chưa có, trong số này có nhiều trường hợp bị mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm thật đáng tiếc.
Tuy nhiên, "cái gốc" của vấn đề ở đây vẫn là cơ chế, Luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đến nay vẫn chưa chưa mở được "lối thoát" cho tình trạng bất cập nêu trên.
Thiết nghĩ đây là vấn đề rất cần được tháo gỡ sớm nhằm giảm áp lực cho các cơ quan có chức năng quản lý "Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp" đồng thời đáp ứng được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngay cho rất nhiều trường hợp thông qua một số nghiệp vụ kiểm chứng thông thường vẫn xác định được là "Không có án tích".

Đăng Văn – Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: