Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
 Thứ tư, 01 Tháng 12 2021 14:35 - 62 Lượt xem
In
Ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thông tư có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thi hành khoản 6, Điều 3; Khoản 5, Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm: nội dung, điểm số và cách tính điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; quy trình, biểu mẫu, tài liệu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Về nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu; tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu: nội dung, điểm số và cách xác định điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu và các tài liệu phục vụ việc đánh giá được quy định tại Phụ lục I. Thông tư quy định việc chấm điểm, đánh giá cần dựa vào các tài liệu là những kết quả, sản phẩm đầu ra đạt được khi chính quyền và công chức cấp xã triển khai trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật, đây là điểm mới được quy định để khắc phục tính hình thức, hạn chế trong tổ chức, đánh giá chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP.
Tổng số điểm các tiêu chí, chỉ tiêu làm căn cứ xem xét quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định theo điểm số thẩm định của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật
- Về quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Thông tư quy định cụ thể các nhiệm vụ, công việc do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và nhiệm vụ, công việc do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Các biểu mẫu phục vụ việc chấm điểm, đánh giá và quản lý, theo dõi, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp.
- Về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, Thông tư quy định: Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tư vấn, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn: Thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND cấp huyện giao.
Thành phần Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật bao gồm: Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng và Thư ký Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định nhưng không quá 15 người. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể nhiệm vụ của thành viên, cuộc họp của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, trách nhiệm của Phòng Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 thay thế Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP

Xem toàn văn Thông tư tại đây./.

VB-TT


Tin mới:
Các tin khác: