Những điều cần biết về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư |
Thứ hai, 07 Tháng 1 2013 14:01 - 2391 Lượt xem |
|
|
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20-11-2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 36 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật Luật sư năm 2006. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung Luật sư lần này. Điều kiện để trở thành Luật sư: Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Luật luật sư và có Bằng cử nhân luật phải qua khoá đào tạo nghề luật sư mười hai tháng, được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này phải qua tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư mười hai tháng. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự để Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và có trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư; người tập sự hành nghề luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật; người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với Luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp Luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công, giám sát của Luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý. Những người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư bao gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp, Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Tiến sỹ luật, Thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, Kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư. Điều tra viên sơ cấp, Thẩm tra viên chính ngành Tòa án, Kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, Thẩm tra viên ngành Toà án, Kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư để chuyển cho Sở Tư pháp và người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú, trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thì có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận luật sư. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền thu hồi hoặc cấp lại cấp Giấy chứng nhận luật sự theo quy định của Luật này. Đối với những người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: Không đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này; đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân hoặc những người này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; không thường trú tại Việt Nam; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Luật sư có quyền và nghĩa vụ: Quyền được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan như: Đại diện cho khách hàng; hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư; hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam; hành nghề luật sư ở nước ngoài và các quyền khác theo quy định của Luật này. Luật sư còn có các nghĩa vụ: Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư; chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; thực hiện trợ giúp pháp lý; tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Hình thức tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư, Công ty luật. Theo đó, Luật sự có quyền lựa chọn hình thức thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư có quyền thực hiện dịch vụ pháp lý; nhận thù lao từ khách hàng; thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài; tham gia tư vấn giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu; hợp tác với tổ chức hành nghề luật sự nước ngoài; thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước; đặt trụ sở hành nghề ở nước ngoài và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động; thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng; cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư; tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư; bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; chấp hành quy định của Luật này và pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về báo cáo, kiểm tra, thanh tra; nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư; quản lý và bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; thực hiện việc báo cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi: Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật (gọi chung là vụ, việc); cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật; tiết lộ thông tin về vụ, việc của khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sách nhiễu, lừa dối khách hàng; nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, hoặc của đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc; lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật; có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư./. Thân Phước Thành Tin mới:
Các tin khác:
|