An toàn thực phẩm vấn đề cần quan tâm.
 Thứ sáu, 14 Tháng 12 2012 14:34 - 2712 Lượt xem
In

Trong  những năm qua cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, kèm theo đó là sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cũng phát triển với mức độ nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các quán ăn hiện đang là dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng hiện nay. Để từng bước chấn chỉnh tình trạng chế biến thực phẩm mất vệ sinh, siết chặt điều kiện kinh doanh đối với các dịch vụ này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngày 5/12/2012 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, Thông tư quy định:

- Đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn: nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hợp đồng về nguồn cung cấp theo quy định và còn hạn sử dụng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành. Nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi suất ăn sẵn được chế biến xong.

- Đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín: cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Nước sử dụng để chế biến thức ăn phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.

-  Đối với căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống: thì khu vực ăn uống phải thoáng mát, có đủ bàn ghế và thường xuyên phải bảo đảm sạch sẽ; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, dán, côn trùng và động vật gây bệnh; phải có bồn rửa tay, số lượng ít nhất phải có 1 bồn rửa tay cho 50 người ăn; phải có nhà vệ sinh, số lượng ít nhất phải có 1 nhà vệ sinh cho 25 người ăn. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, dán, côn trùng và động vật gây bệnh; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong; có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải...

Ngoài ra, Thông tư còn quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố như  thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định; phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý.

Thông tư số 30/2012/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2013./.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012 cả nước ghi nhận có 89 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.496 người mắc, 1.950 người nhập viện với 18 người tử vong, trong đó có 16 vụ ngộ độc trên 30 người. So với cùng kỳ 2011, số người mắc tăng 2,3% (41 người); ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn gia đình tăng 18 vụ, số người mắc tăng 497 người, số nhập viện tăng 346 người và số tử vong tăng 9 người.
 
Lưu Thế Tùng 

Tin mới:
Các tin khác: