Bộ Tư pháp Ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng |
Thứ tư, 12 Tháng 12 2012 13:50 - 2635 Lượt xem |
|
|
Ngày 30/10/2012, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP về Qui tắc đạo đức nghề công chứng. Theo đó, Thông tư ghi nhận Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Thông tư qui định một số nội dung chính sau:
Nguyên tắc hành nghề công chứng: Công chứng viên phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội; khách quan, trung thực khi thực hiện công chứng, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến chất lượng việc công chứng cũng như phân biệt đối xử với người yêu cầu công chứng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình trong trường hợp việc công chứng dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu công chứng… Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp: Công chứng viên có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp; phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu công chứng và toàn thể xã hội. Thu phí, thù lao công chứng: Công chứng viên có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai phí, thù lao công chứng theo quy định đã được niêm yết; khi thu phí, thù lao công chứng phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu công chứng biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp. Những việc công chứng viên không được làm: 1) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng; 2) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận; 3)Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng so với quy định và sự thỏa thuận; 4) Công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; 5) Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới… Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đối với Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi địa phương quản lý. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2012./. Lê Hằng Vân Tin mới:
Các tin khác:
|