Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chính thức có hiệu lực pháp luật vào ngày hôm nay: 01/6/2012 |
Thứ sáu, 01 Tháng 6 2012 13:56 - 3386 Lượt xem |
|
|
1. Về quỹ bảo trì đường bộ Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012: Quỹ bảo trì được hình thành từ phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên phương tiện giao thông cơ giới; ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ theo phân cấp; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với môtô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó; phí sử dụng đường bộ thu được đối với ôtô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Nội dung chi của Quỹ bao gồm: 1) Chi bảo trì công trình đường bộ; 2) Chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ; 3) Chi hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ; 4) Các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì và quản lý công trình đường bộ do Hội đồng quản lý quỹ quyết định. 2. Quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức Theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 thì viên chức được tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển với nội dung thi tuyển, hoặc xét tuyển được quy định cụ thể. Điểm mới của Nghị định này quy định 03 đối tượng được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức. Cụ thể, người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuận, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống. Ngoài ra, điểm mới của Nghị định còn thể hiện ở việc quy định cụ thể về trợ cấp thôi việc đối với viên chức theo các thời điểm tuyển dụng khác nhau. Một số điểm mới trong việc thay đổi chức danh nghề nghiệp; chuyển đổi và chuyển tiếp đối với viên chức cũng được quy định cụ thể tại Nghị định này. Việc tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc (xác định thời hạn và không xác định thời hạn). 3. Tăng lương tối thiểu chung từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, từ ngày 01/5/2012, mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với trước đây. Cụ thể, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu chung là cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công ty THHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Cũng theo văn bản này, mức lương tối thiểu chung nói trên được dùng làm cơ sở để tính các mức lương hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định trong Nghị định này.
Theo Nghị định 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012, từ 01/5, phụ cấp công vụ tăng từ 10% lên 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm. Chế độ phụ cấp công vụ áp dụng đối với CBCC, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ NSNN làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang. Đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc phụ cấp đặc thù theo quy định thì cũng được hưởng phụ cấp công vụ. 5. Cán bộ xã đã nghỉ việc được tăng 26,5% lương hưu Theo Nghị định 35/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012: Từ ngày 01/5/2012, tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc. Có 7 nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh đợt này gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn theo quy định của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động theo quy định; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp; công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng... 6. Quy định quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội Theo Thông tư liên tịch số 61/2012/TTLT-BTC-BCA ngày 17/4/2012 của liên Bộ Tài chính - Công an thì cơ quan chủ trì xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự được trích lại 30% tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính cho các nội dung chi sau: Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ; chi mua tin (nếu có); chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, mức chi không quá 1.500.000 đồng/người/tháng; chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp của cơ quan cấp trên gắn với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và trong phạm vi nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính được trích lại cho đơn vị là 15%… 7. Hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến Theo Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012 của liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ và Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp được tính kể từ ngày thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến đến ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương; trường hợp thanh niên xung phong có thời gian tập trung tham gia kháng chiến không liên tục, thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp là tổng thời gian thực tế của các lần tập trung tham gia kháng chiến. Đồng thời, chế độ trợ cấp một lần được tính theo số năm thực tế trực tiếp tham gia kháng chiến theo quy định tại Điều 1 Thông tư này, cụ thể như sau: Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 hoặc Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những người sau đây được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần. Về chế độ trợ cấp hàng tháng: Đối tượng được xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa. Mức trợ cấp hàng tháng bằng 360.000đồng. Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội./. Nguyễn Quốc Sử Tin mới:
Các tin khác:
|