Chính sách mới về tăng cường công tác bảo vệ rừng |
Thứ tư, 11 Tháng 4 2012 15:27 - 5548 Lượt xem |
|
|
Ngày 08/02/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg về một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nội dung chính sách tập trung vào một số ván đề chính sau: 1. Phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các cấp. Theo đó, UBND cấp tỉnh được giao 07 nhiệm vụ, UBND cấp huyện 07 nhiệm vụ và UBND cấp xã 10 nhiệm vụ. Đặc biệt, Chính phủ còn qui định, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật. 2. Hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ngân sách xã để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý. UBND cấp xã sử dụng nguồn kinh phí này chi cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. 3. Chính sách đồng quản lý rừng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng để tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cùng với Ban quản lý khu rừng đặc dụng, Ban quản lý khu rừng phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở thỏa thuận về trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng; chia sẻ lợi ích hợp pháp tương xứng với sự đóng góp của các bên. 4. Chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ; có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; được nhà nước hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng. UBND cấp xã nơi có rừng, tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và diện tích rừng chưa giao, cho thuê trên địa bàn xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về tổ chức lực lượng; quyền hạn, trách nhiệm; trang thiết bị; đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng cơ sở. 5. Chính sách nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đối với lực lượng Kiểm lâm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với công chức kiểm lâm; tăng cường biên chế cho lực lượng kiểm lâm đến năm 2015; bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 01 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011 - 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế). Tiếp tục đầu tư cho lực lượng kiểm lâm thông qua các dự án đào tạo nâng cao năng lực; đầu tư bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho kiểm lâm. Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 8.000 lượt người thuộc lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và lực lượng kiểm lâm; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (khoảng 1.000 tỷ đồng). Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2012 và thay thế Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998. Lê Hằng Vân Tin mới:
Các tin khác:
|