Vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có thể bị phạt tới 40 triệu đồng |
Thứ hai, 26 Tháng 3 2012 08:00 - 4639 Lượt xem |
|
|
Ngày 17/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số
91/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em. So
với Nghị định 114/2006/NĐ-CP trước đây thì Nghị định 91/2011/NĐ-CP lần này có nhiều
mức phạt cao hơn. Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, quy định rõ hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Nghị định đã dành riêng Chương 2, từ Điều 8 đến Điều 22, quy định 14 hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bị xử phạt. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức còn có thể bị áp dụng một hoặc các hành thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác, cụ thể mức phạt đối với các vi phạm như sau: - Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần; cha, mẹ bắt con, người giám hộ bắt trẻ em mà mình giám hộ, người nhận nuôi dưỡng trẻ em bắt trẻ em mà mình nuôi dưỡng làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em hoặc bắt trẻ em làm những công việc mà pháp luật không cho phép… - Mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở không khám bệnh cho trẻ em, thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi trái với quy định của pháp luật. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vicha, mẹ, người giám hộ bỏ rơi trẻ em; hành vi cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị; hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền ép buộc trẻ em tiếp xúc, mua, bán, thuê, mượn, sử dụng, phát tán, tham gia sản xuất sản phẩm văn hóa, thông tin truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển của trẻ em… - Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi; đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị; hành vi đặt nghĩa trang, cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại; hành vi không bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em… - Mức phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: sản xuất, lưu hành, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, phát tán, quảng cáo đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em; viết, dịch, sao chép, sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, phát tán, quảng cáo sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng khiêu dâm trẻ em; nhập khẩu đồ chơi, trò chơi kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị, có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em… - Mức phạt cao nhất theo Nghị định trên là phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới (Nghị định 114/2006/NĐ-CP chỉ quy định từ 10 – 30 triệu đồng). Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc về Thanh tra Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, Cơ quan thuế, Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành khác. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là 01 năm kể từ khi hành vi hành chính được thực hiện hoặc 03 tháng kể từ khi người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hình sự mà hành vi vi phạm đó có dấu hiệu vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc, trẻ em. Nghị định số 91/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/12/2011./. Lưu Thế Tùng Tin mới:
Các tin khác:
|