Nghị định của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
 Thứ hai, 05 Tháng 2 2024 09:24 - 69 Lượt xem
In
Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Với 5 Chương 46 Điều, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định một số nội dung đáng chú ý như sau:
Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, bao gồm: Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; Thanh tra sở tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp; việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; tổ chức, hoạt động thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ và quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành, theo Nghị định, việc tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành phải phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động thanh tra, với tính chất, đặc điểm về ngành, lĩnh vực quản lý được quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một số nội dung của Nghị định số 03/2024/NĐ-CP về Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở như sau:
09 cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, bao gồm: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Thanh tra Tổng cục Thống kê.
Thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra, gồm: Thanh tra Sở Công Thương; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Nội vụ; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Sở Tư pháp; Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch; Thanh tra Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Y tế.
Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp Thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Nghị định, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ (sau đây gọi là Tổng cục, Cục thuộc Bộ), Cục thuộc Tổng cục và tương đương (sau đây gọi là Cục thuộc Tổng cục), cơ quan khác được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định này, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định còn quy định một số nội dung về hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024./.

Tấn Chánh


Tin mới:
Các tin khác: