Thông tư số 42/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định sử dụng kinh phí xây dựng văn bản QPPL
 Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 09:29 - 252 Lượt xem
In

Ngày 6/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2022/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thông tư số 42/2022/TT-BTC gồm một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Thông tư số 42/2022/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm g khoản 1 Điều 1 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b như sau:
"b) Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.".
b) Sửa đổi, bổ sung điểm g như sau:
"g) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.".
Thứ hai, Thông tư số 42/2022/TT-BTC còn sửa đổi, bổ sung về định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cụ thể đối với đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm: Tối đa 200 triệu đồng/đề nghị; Đối với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định mức phân bổ kinh phí cho cơ quan chủ trì soạn thảo được thực hiện như sau: Bộ luật ban hành mới, thay thế: tối đa 4.000 triệu đồng/dự án. Bộ luật sửa đổi, bổ sung một số điều: tối đa 3.200 triệu đồng/dự án. Dự án luật ban hành mới, thay thế: tối đa 2.000 triệu đồng/dự án. Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: tối đa 1.200 triệu đồng/dự án. Dự án pháp lệnh ban hành mới, thay thế: tối đa 1.000 triệu đồng/dự án. Dự án pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều: tối đa 600 triệu đồng/dự án. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội ban hành mới, thay thế: tối đa 1.000 triệu đồng/dự thảo. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều: tối đa 600 triệu đồng/dự thảo. Ngoài ra, định mức phân bổ kinh phí cho việc xây dựng một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản: tối đa không quá 120% định mức phân bổ kinh phí đối với văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số điều tương ứng quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân: cấp tỉnh: 30 triệu đồng/ 1 dự thảo; cấp huyện: 15 triệu đồng/ 1 dự thảo; cấp xã: 10 triệu đồng/ 1 dự thảo.
Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân: cấp tỉnh: 20 triệu đồng/ 1 dự thảo; cấp huyện: 10 triệu đồng/ 1 dự thảo; cấp xã: 8 triệu đồng/ 1 dự thảo.
Đối với văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Định mức phân bổ kinh phí không quá 80% định mức phân bổ đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế.
Thứ ba, Thông tư số 42/2022/TT-BTC còn sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6. Việc thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn. Đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo phương thức khoán trên sản phẩm hoàn thành, chứng từ thanh toán gồm: Quyết định hoặc văn bản phê duyệt chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền (nếu có); Tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thông tư số 42/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

MC


Tin mới:
Các tin khác: