Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
 Thứ hai, 10 Tháng 1 2022 09:43 - 189 Lượt xem
In

Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Nghị định bổ sung nguyên tắc khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
- Nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi tổ chức hoặc cá nhân vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Thứ hai, bổ sung quy định thời hạn xử phạt hành chính trong giáo dục
Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 01 năm.
- Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
+ Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định trên tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
+ Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính;
+ Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
Thứ ba, tăng mức tiền phạt tối đa lên 150 triệu đồng
Theo điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. Trước đây, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Thứ tư, tăng mức phạt đối với hành vi tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh, cụ thể:
- Phạt tiền từ 110 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh từ 30 người học trở lên. Trước đây, mức phạt là từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 110 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh từ 10 người học trở lên. Trước đây, mức phạt cho hành vi này là 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Thứ năm, nâng mức phạt tối đa đối với hành vi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ trái phép
Tại khoản 8 Điều 1 Nghị định quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 110 triệu đồng (thay cho mức 100 triệu đồng) đối với hành vi cấp chứng chỉ khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Như vậy, quy định mới đã nâng mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thành 110 triệu đồng thay vì 100 triệu đồng như trước đây.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nhật Mai


Tin mới:
Các tin khác: