Ngày 08/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 49/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó phạm vi điều chỉnh bao gồm: Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong khi được cử tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa gồm hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), đóng góp và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang bộ; hoặc hỗ trợ cho các tổ chức hiệp hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa. Đối với nguồn ngân sách địa phương được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của địa phương để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa tại địa phương. Khi sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa phải tuân thủ các nguyên tắc: Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa phải được lập dự toán, quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các cơ quan, đơn vị không được sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa để chi hoạt động bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi khác ngoài nhiệm vụ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực DN nhỏ và vừa. Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm; tính trung thực, chính xác, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan đến sử dụng kinh phí; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với kinh phí tổ chức khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, cụ thể như sau: Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh tối đa là 100%, quản trị doanh nghiệp cơ bản tối đa là 70% và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu là 50%. Định mức chi của từng nội dung chi trong một khóa đào tạo để xác định số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức và theo nguyên tắc: Đối với các nội dung chi có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức (chi cho giảng viên, báo cáo viên; biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng; nước uống, giải khát; khen thưởng học viên; chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; công tác phí) phải thực hiện theo đúng chế độ quy định. Đối với các nội dung chi chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức: căn cứ theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp lý, hợp pháp theo quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với khoản kinh phí tổ chức khóa đào tạo trực tiếp tại DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến là 50% tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo trực tiếp tại DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nhưng không quá 01 lần một năm. Mức hổ trợ từ ngân sách nhà nước đối với chi phí đào tạo nghề cho lao động trong DN nhỏ và vừa được quy định: Khi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người một lần. Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí ngân sách hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đào tạo trực tiếp tại DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2019./.
Thanh Linh |