Ngày 16/8/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 4857/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án"Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022" trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Kế hoạch đã đề ra một số hoạt động cụ thể như sau:
Một là, xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp được giao xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh (từ 03 - 05 người), Phòng Tư pháp xây dựng cấp huyện (từ 04 - 08 người/01 huyện, thị xã, thành phố) từ nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ, công chức thuộc các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, báo cáo viên pháp luật và các cá nhân khác đáp ứng tiêu chuẩn làm tập huấn viên hòa giải viên ở cơ sở theo quy định. Hai là, rà soát, kiện toàn, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ hằng năm, UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã rà soát, kiện toàn lại mạng lưới Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với hệ thống tổ chức thôn, tổ dân phố đã được UBND tỉnh sắp xếp lại theo Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 18/01/2019; đảm bảo về tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần và chất lượng, với số lượng không vượt quá 5 hòa giải viên/Tổ hòa giải.
Ba là, tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. UBND tỉnh (ủy quyền Sở Tư pháp) tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện; UBND cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Bốn là, thực hiện chỉ đạo điểm: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận lựa chọn 05 đến 07 đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm; ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở. Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc Số hóa và đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Cổng thông tin của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trên mạng xã hội facebook, youtube và các mạng xã hội khác..., các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở. Sáu là, huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở, gồm: Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác hòa giải ở cơ sở theo tinh thần nâng cao trách nhiệm xã hội của tổ chức, doanh nghiệp. Khuyến khích Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, các trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư ... tư vấn hỗ trợ việc tra cứu văn bản, áp dụng các quy định của pháp luật vào những vụ việc cụ thể, khi có yêu cầu từ UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; vận động và tạo điều kiện cho thành viên tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở. Đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện, trong trường hợp cần thiết, cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Tư pháp và UBND cấp xã tham gia hướng dẫn hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp đang diễn ra tại cơ sở, nhằm giảm bớt đơn thư yêu cầu giải quyết lên cấp trên./.
PBGDPL |